Việc chủ đầu tư tăng phí qua hầm Hải Vân trong thời gian tới khiến cho các doanh nghiệp vận tải hai đầu gặp nhiều khó khăn trong viện vận hành.
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý để Tập đoàn Đèo Cả tăng phí lưu thông đối với các phương tiện di chuyển qua hầm Hải Vân. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/5 đơn vị này sẽ tiến hành áp dụng việc tăng mức thu phí.
Tại bảng thu phí mới tại trạm Bắc Hải Vân, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng sẽ đóng phí ở mức 110.000 đồng/lượt. Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 160.000 đồng/ lượt. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 200.000 đồng/lượt. Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet 210.000 đồng và xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet là 280.000 đồng/ lượt. Với mức thu này, các phương tiện khi lưu thông qua khu vực này sẽ phải trả thêm từ 40.000 – 70.000 đồng/ lượt.
Tuy nhiên, việc tăng giá phí qua hầm vấp phải sự phản đổi của các doanh nghiệp vận tải hai địa phương cũng như các tỉnh thành khác có lộ trình qua hầm Hải Vân. Theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc tăng mức phí như vậy là quá nhiều và không phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Ông Võ Phi Cường – Giám đốc công ty CP xe khách Thừa Thiên Huế cho rằng việc tăng mức phí sắp tới là không hợp lý. Theo ông Cường, thời gian qua các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 rất nhiều, hiện đại đa số các doanh nghiệp vẫn chưa thể khắc phục được thiệt hại do dịch bệnh.
“Tần suất xe chạy hiện nay vẫn chưa nhiều, thêm vào đó khi lăn bánh xe phải chịu rất nhiều các loại chi phí khác nhau. Do đó, việc tăng mức phí như trên rất bất cập cho doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp vào khó khăn hơn. Ngoài ra, đầu vào hiện nay không được ổn định, xe trá hình bùng phát khiến việc tìm khách khó khăn hơn. Chỉ nên giữ nguyên mức phí 70.000 đồng như cũ là doanh nghiệp có thể cầm cự được”, ông Võ Phi Cường nói.
Không chỉ các doanh nghiệp, mà các lái xe tư nhân, người dân các địa phương cũng lâm vào cảnh khốn đốn đối với việc tăng mức phí này. Theo cánh lái xe, việc giảm thời gian, tăng độ an toàn khi di chuyển nên sự lựa chọn đi hầm Hải Vân là tối ưu. Tuy nhiên, việc tăng giá phí khiến cánh lái xe đắn đo, nhiều người cho rằng giá như vậy là “quá chát”.
“Nếu tính theo mức phí như vậy, việc đóng phí tại trạm còn nhiều hơn so với tiền đổ xăng để di chuyển. Đi đèo thì tốn thời gian và nguy hiểm, mà đi hầm lại tốn nhiều tiền như vậy khiến chúng tôi rất khó xử. Suy cho cùng, người lái xe như chúng tôi là thiệt thòi nhất”, anh Nguyễn Văn Mai – một lái xe tại Đà Nẵng nói.
Có thể bạn quan tâm