Chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, DĐDN đã có cuộc trao đổi với bà Virginia “Ginny” Foote, CEO tập đoàn tư vấn Bay Global Strategies, Phó Chủ tịch AmCham Hà Nội.
>>Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế
- Là một chuyên gia đã có 30 năm gắn bó với thị trường Việt Nam, bà nhìn nhận như thế nào về sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua?
Có thể nói sự phát triển của giới doanh nghiệp ở Việt Nam trong những năm qua rất mạnh mẽ. Ngay cả trong thời kỳ Covid, các số liệu thống kê vẫn cho thấy GDP của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Năm nay cũng là giai đoạn đầy thách thức bởi thị trường quốc tế đang suy yếu. Tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu, và một số thị trường quốc tế khác đều giảm đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Theo các dự báo, tăng trưởng của Việt Nam có thể là 5 hoặc 6% trong năm nay. Dù không bằng năm ngoái nhưng theo tôi đó vẫn là một điểm tích cực.
Tôi cho rằng các công ty Việt Nam đang phát triển khá tốt. Dù thị trường vẫn chưa đồng đều và cần bổ sung thêm đào tạo và kinh nghiệm cho nhân lực - từ cấp độ công nhân, quản lý cho tới hội đồng quản trị - nhưng tôi nhận thấy khả năng cung cấp vốn cho các công ty Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và họ ngày càng có thêm nhiều mối quan hệ hợp tác với các công ty toàn cầu.
Các công ty Việt Nam đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường tiêu dùng Việt Nam cũng đang phát triển, đồng nghĩa với việc đầu tư vào dịch vụ và sản xuất cho thị trường Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
- Theo bà, các doanh nghiệp Việt Nam cần những yếu tố gì để vượt qua các khó khăn trong môi trường luôn biến động như hiện nay?
Tôi nghĩ bất kỳ công ty nào, dù là trong nước hay nước ngoài, đều cần xây dựng một mô hình kinh doanh có khả năng linh hoạt trong các kế hoạch kinh doanh, trong khi vẫn phát huy những điểm mạnh của công ty và tập trung vào những gì họ làm tốt nhất.
Bởi nền kinh tế luôn biến đổi, các doanh nghiệp cần chấp nhận rủi ro một cách thông minh, nhưng không phải quá nhiều rủi ro. Phần khó nhất khi thành lập hoặc điều hành một doanh nghiệp là đánh giá rủi ro ở đâu, mức độ nguy hiểm như thế nào và công ty có thể hấp thụ chúng ở mức độ nào.
Tôi nghĩ đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, vẫn có sự khác biệt đáng kể giữa kế hoạch ngắn hạn và kế hoạch dài hạn. Như đã nói, năm 2023 này khá khó khăn khiến số lượng công ty rút lui khỏi thị trường cũng nhiều dù con số mới thành lập khá cao. Sự bền vững của các công ty là điều sẽ đạt được khi các doanh nghiệp và Chính phủ có thể cùng hợp tác để thiết lập các quy trình tốt hơn.
- Các doanh nghiệp Mỹ nổi tiếng bởi sự năng động và khả năng vận hành. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi điều gì từ các đối tác Mỹ, thưa bà?
Trong lĩnh vực kinh doanh, tôi nghĩ các công ty Hoa Kỳ đã thành công nhờ chú trọng vào Nghiên cứu - Phát triển (R&D) và ứng dụng khoa học vào việc xem xét các kế hoạch trong tương lai.
Bên cạnh đó, tinh thần khởi nghiệp ở Hoa Kỳ cũng là điều mà tôi nghĩ đã có ngay từ những ngày đầu lập quốc. Việt Nam cũng có một nền văn hóa và truyền thống khởi nghiệp đã và đang đóng góp rất nhiều cho đất nước.
Ngoài ra, năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) rất ấn tượng ở Việt Nam có thể dẫn đến những công ty có quy mô ngày càng lớn hơn và có những ý tưởng lớn hơn. Tôi nghĩ các công ty Mỹ cũng đã khá thành công theo cách đó.
- Được biết Chính phủ Mỹ hiện đang định hình lại chuỗi cung ứng trong lĩnh vực bán dẫn. Việt Nam có thể đóng vai trò gì trong quá trình này?
Chính phủ Hoa Kỳ đã thiết lập một số mục tiêu và một số biện pháp khuyến khích trong vấn đề này. Việc hiểu những ưu đãi đó là gì là rất quan trọng đối với các công ty trong ngành bán dẫn. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng quyết định của các tập đoàn có đến Việt Nam hay không là do họ quyết định, chứ không phải do chính phủ Mỹ thúc ép.
Vì vậy, chúng ta cần xem xét các tiêu chí là gì, mục tiêu là gì. Việt Nam muốn tham gia vào ngành bán dẫn hay không, các bạn muốn đứng đầu ngành đó hay chỉ ở trong một mắt xích trong chuỗi cung ứng?
Tôi nghĩ có một số tiêu chí cần xem xét. Thứ nhất là năng lượng. Công nghiệp bán dẫn là một ngành sử dụng rất nhiều điện, nên năng lượng cần phải có sẵn 24/7, và nó cần phải là năng lượng tái tạo. Các tập đoàn bán dẫn không muốn tham gia kinh doanh năng lượng, mà chỉ muốn mua năng lượng sạch càng sẵn càng tốt. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm cách để cung ứng nhanh hơn và nhiều hơn. Thứ hai là nhân lực: kỹ sư nói chung và kỹ sư ngành bán dẫn nói riêng. Việt Nam có số lượng kỹ sư khá đông đảo nhưng chưa chắc đã nằm trong lĩnh vực này. Chúng ta cần một nỗ lực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực rất mạnh mẽ mới đáp ứng được.
Đây là một khoản đầu tư tốn kém; nhưng nó là một ngành ngày càng quan trọng và với sự quan tâm và lập kế hoạch, không có lý do gì để nghĩ rằng Việt Nam không thể tiến lên trong chuỗi cung ứng đó.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Con đường nào để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
03:00, 12/10/2023
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế
10:23, 05/10/2023
Thủ tướng: Doanh nghiệp Việt - Mỹ cùng hợp tác, chiến thắng, cùng có lợi
09:00, 19/09/2023
Doanh nghiệp Việt và bài toán trung hòa carbon
18:39, 16/09/2023
Đưa quan hệ hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Canada đi vào chiều sâu
10:29, 07/09/2023