Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Long Group khẳng định: “Chúng tôi muốn góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất gạo Việt Nam và cùng hạt gạo Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế”.
Nhiều năm qua, ông Trương Sỹ Bá đã đầu tư xây dựng thương hiệu gạo chất lượng, an toàn phục vụ thị trường nội địa và tham vọng vươn ra thị trường nước ngoài.
"Mục tiêu 10% thị trường nội địa"
Tham gia thị trường sản xuất chế biến gạo từ năm 2010, hiện nay Tân Long là nhà sản xuất – xuất khẩu gạo Japonica lớn nhất Việt Nam đến các thị trường Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Phi, Mỹ, Mexico…
Từ năm 2016, trong bối cảnh các công ty Nhà nước chiếm lĩnh thị trường G2G còn thị trường thương mại thì quá cạnh tranh. Ngay thời điểm đó, dưới sự điều hành của ông Bá, Tân Long tìm hiểu rất sâu các thầu quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines.
Cuối năm 2016, Tân Long là công ty tư nhân Việt Nam thắng gói thầu cung cấp gạo chất lượng cao cho chính phủ Hàn Quốc. Hợp đồng đầu tiên mang tính thăm dò thị trường chỉ ở mức 3.000 tấn gạo Japonica, giống lúa cho hạt tròn còn gọi là gạo Nhật, với giá xuất khẩu dao động từ 700-1.000 USD/tấn, cao hơn giá gạo thường của Việt Nam khoảng 200-300 USD/tấn.
Để đi vào thị trường Hàn Quốc, gạo Japonica phải đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm định gồm 280 chỉ tiêu. Giải thích việc chuyển từ gạo thường sang gạo chất lượng cao của Tân Long, ông Trương Sỹ Bá chia sẻ: “Vi phạm một chỉ tiêu là bỏ lô hàng. Các công ty không làm vì họ thấy khó”.
Đầu năm 2017, Tân Long xuất tiếp gạo Japonica đi Hàn Quốc, quy mô gấp 10 lần đợt đầu tiên. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long chia sẻ, công ty bao tiêu vùng nguyên liệu ở Tri Tôn (tỉnh An Giang), hướng dẫn nông dân trồng trọt và nói không với những loại hóa chất không được sử dụng trong trồng trọt cho xuất khẩu. Đợt hàng thứ hai mang về cho Tân Long lợi nhuận khoảng ba triệu đô la Mỹ.
Năm 2018, Tân Long trúng thầu 60.000 tấn gạo xuất đi Hàn Quốc. Đây là thương vụ đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã “đánh bật” các doanh nghiệp quốc tế đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc để trúng trọn gói 60.000 tấn gạo Japonica cung cấp cho Hàn Quốc dưới dạng đấu thầu Chính phủ.
Tân Long cũng trở thành nhà cung ứng hơn 75% gạo Japonica cho thị trường Hàn Quốc, đồng thời xuất khẩu gạo Japonica sang một số thị trường Đông Nam Á…
Đó là lý do tại sao vào năm 2018 Tân Long được mệnh danh là “Vua thầu quốc tế”.
Thời gian gần đây, Tân Long chú trọng nhiều đến thị trường nội địa. Như chia sẻ từ chính ông Trương Sỹ Bá, "Cơ duyên đưa tôi đến với nông nghiệp năm 2010 bắt nguồn từ thương mại gạo. Chính những cây lúa, hạt gạo đã tạo đam mê trong tôi". Mục tiêu của Tân Long 5 năm tới sẽ phục vụ 10% thị phần gạo nội địa, tương đương với gần một triệu tấn gạo, kinh doanh gạo ngon và tiện ích nhất để phục vụ lại chính người tiêu dùng Việt.
Tham vọng làm gạo Việt cho người Việt
Để xây dựng thương hiệu gạo chất lượng, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn có trách nhiệm với ngành lúa gạo trong công cuộc tái cấu trúc để có những hạt gạo Việt Nam đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng ngay từ đầu, hình thành các vùng sản xuất lớn được quản lý chuyên nghiệp và có sự cam kết ngay khi ký hợp đồng sản xuất từ khâu giống đến quy trình đầu tư, chăm sóc và thu hoạch, từ đó bà con nông dân yên tâm sản xuất, ổn định thu nhập.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện chuỗi khép kín từ giống, kỹ thuật canh tác cánh đồng đến chế biến và xúc tiến thương mại, Tân Long theo đuổi gạo an toàn với những tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, mang đến những sản phẩm an toàn và chất lượng cao. Từ đó tạo nên sức mạnh toàn diện để hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản toàn cầu, nâng cao giá trị và đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Theo ông Bá, người tiêu dùng không chỉ cần ăn ngon, đảm bảo yếu tố sạch mà còn phải tiện lợi. Do vậy, doanh nghiệp làm lúa gạo buộc phải xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ bao gồm các kênh phân phối rộng và tiện lợi, hệ thống dịch vụ, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, giao hàng nhanh chóng, đón kịp xu hướng tiêu dùng online, ứng dụng công nghệ trong quản trị hệ thống bán hàng đối với các kênh phân phối...
Ông Bá nhẩm tính: “Tổng sản lượng gạo tiêu dùng trong nước khoảng 11 triệu tấn/năm. Trong đó gạo đóng túi có thể truy xuất được nguồn gốc và được xây dựng thương hiệu một cách bài bản ước lượng chiếm khoảng 10% - 15%/ tổng tiêu dùng gạo, nghĩa là ở mức 1,6 - 1,7 triệu tấn. Và mục tiêu của chúng tôi là nỗ lực đưa A An hướng đến 10% của con số 1,6 - 1,7 triệu này. Triển vọng cho mảng gạo tiêu dùng nội địa rất lớn”.
Hướng đi của gạo A An là chọn khai thác và phục vụ những sản phẩm gạo sạch, chất lượng cao cho thị trường, giúp người tiêu dùng hiểu rõ sản phẩm để đưa ra lựa chọn phù hợp. “Tất nhiên để làm được điều này cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư rất lớn về hạ tầng. Bên cạnh việc chọn lọc và cấu trúc lại vùng nguyên liệu chiến lược, chúng tôi đang nâng cấp đồng bộ quy mô và ứng dụng công nghệ tại các nhà máy chế biến để nâng cao năng suất sấy trữ”.
Khi thương hiệu gạo A An của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long ra mắt thị trường trong nước, sản phẩm này đồng thời cũng đạt chất lượng quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Theo quan sát của ông Trương Sỹ Bá, thách thức lớn nhất của thị trường nội địa nằm ở hành vi tiêu dùng của khách hàng phụ thuộc vào tư vấn từ đại lý quen. Với mô hình kinh doanh năng động các đại lý thường cho người giao gạo đến tận nhà khách hàng trong thời gian rất nhanh. Do vậy, Tân Long đầu tư hệ thống đại lý trên toàn quốc để đưa gạo có thương hiệu đến người mua trong vòng 30 phút nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Những “chiến binh” Kym Việt
03:00, 17/06/2021
Jack Ma vẫn chưa "lộ diện"
11:20, 16/06/2021
Giấc mơ cà phê của "ông bếp" Nguyễn Huỳnh Đạt
00:48, 16/06/2021
"Khẩu vị" đầu tư của ông chủ Tập đoàn SoftBank
06:00, 15/06/2021
CEO Lux Group: Dòng tiền là "mạch máu" của doanh nghiệp
02:37, 14/06/2021
Chân giá trị của lãnh đạo và nhân tài
04:28, 13/06/2021
Hải đồ cổ doanh nhân hay nghệ sĩ?
11:23, 12/06/2021