Theo chuyên gia Trương Lý Hoàng Phi, mô hình đổi mới sáng tạo mở giúp doanh nghiệp theo kịp tốc độ phát triển của thị trường, thu hút nhân tài, tối ưu giá trị các khoản đầu tư của doanh nghiệp.
>>>Các thành tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội
Năm 2021 chứng kiến “cuộc chuyển mình” sang mô hình đổi mới sáng tạo của các tập đoàn lớn, tổng công ty qua hoạt động mở rộng liên kết, đầu tư với các startup đổi mới sáng tạo bên ngoài để R&D, đặt hàng sản phẩm, dịch vụ đang hình thành nên nhiều “hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở”.
Nói về khái niệm này, bà Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) cho rằng, các Tập đoàn bao giờ cũng hình thành một bộ phận R&D bên trong doanh nghiệp nhằm phục vụ cho các mục tiêu nghiên cứu sản phẩm mới, công nghệ mới, tìm kiếm mô hình, cơ hội kinh doanh mới.
Tuy nhiên, theo bà, mô hình này cũng bộc lộ vài hạn chế trong điều kiện thị trường như hiện nay. Bởi khối lượng kiến thức nội bộ dù thế nào cũng không thể toàn diện, đặc biệt là ở trong các ngành, thị trường mà công nghệ phát triển nhanh hoặc đang cấp thiết phải thay đổi.
Mặt khác, mức độ hiệu quả của các trung tâm R&D này sẽ được đo bằng lượng ngân sách đã đổ vào và những dự án cải tiến. Tuy nhiên, không phải tất cả những nghiên cứu và dự án đó đều theo kịp với các nhu cầu của thị trường. Do đó, đây cũng là một sự đầu tư chưa mang lại hiệu quả mà nhiều khi các doanh nghiệp không đo lường đủ và đúng. Hơn nữa, đổi mới hay sáng tạo mà chỉ dựa trên nền tảng cũ: quy trình, con người, văn hóa ... thì rất khó tạo ra một sự đột phá cần thiết.
“Đổi mới sáng tạo mở là mô hình tiến hoá hơn khi mở rộng được không gian cho các ý tưởng mới và nguồn lực nội bộ có thể giao thoa, xúc tác để tạo nên những sáng kiến đột phá, có độ tương thích với thị trường bên ngoài và nguồn lực bên trong doanh nghiệp. Do đó, ngoài việc khắc phục được những hạn chế của mô hình R&D truyền thống, về mặt giá trị kinh tế, mô hình đổi mới sáng tạo mở giúp doanh nghiệp theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường, tiến tới việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới nhanh hơn, thu hút nhân tài, tối ưu giá trị các khoản đầu tư của doanh nghiệp”, bà Hoàng Phi chia sẻ.
Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, tại thị trường Việt Nam, trong giai đoạn này có trên 70% các doanh nghiệp xếp đổi mới sáng tạo là top 3 ưu tiên trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữa xếp hạng ưu tiên và hành động thực tế vẫn là một khoảng cách rất đáng kể. Bởi, quá khó để biết nên bắt đầu từ đâu để các khoản đầu tư cho đổi mới sáng tạo thật sự mang lại lợi ích và cách thức nào để đổi mới sáng tạo trở thành một lợi thế canh tranh hay vũ khí chiến lược thực sự cho doanh nghiệp.
>>>Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ
Bà Phi cho rằng, doanh nghiệp muốn thực hiện đổi mới sáng tạo dù thông qua mô hình nào cũng cần một tầm nhìn tốt, đội ngũ lãnh đạo quyết liệt và đương nhiên cần hơn hết đội ngũ biết cách thức thực chiến để đi đến đích với một khoản đầu tư thật sự tối ưu. Vì vậy, khi chưa tìm được đối tác đồng hành hiểu rõ về thị trường đổi mới sáng tạo và cả những đặc thù hoạt động của ngành, lĩnh vực hay xác định rõ tầm nhìn cho việc thực thi, doanh nghiệp rất cần xem xét thận trọng.
“Ở bình diện hệ sinh thái, “Khơi thông dòng nước”, đó là hình ảnh đầu tiên tôi nghĩ đến. Doanh nghiệp, startup, cộng đồng nhà nghiên cứu, người làm công nghệ…không thể là những pháo đài hay những người hàng xóm thân thiện chỉ chào hỏi nhau qua loa. Chính phủ có thể đóng vai trò tổ chức những sự kiện để những “pháo đài” mở cổng, nhưng cơ bản nhất hệ sinh thái này cần một sự cởi mở, thông hiểu và quan trọng nhất là niềm tin cũng với một mối quan hệ lợi ích lâu dài và bền vững”, chuyên gia Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ.
Nhận định về cơ hội của các startup Việt trong năm 2022, bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết, năm 2021, bà đã tham gia ở nhiều vai trò khác nhau cùng với các tập đoàn lớn như Hoà Bình, SK, Qualcomm…trong các dự án hướng đến startup và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Do đó, bà tin tưởng năm 2022 cũng sẽ là thời điểm cho thấy mức độ tham gia sâu sắc hơn của các Tập đoàn lớn của Việt Nam và các Tập đoàn đa quốc gia vào thị trường này.
“Những lĩnh vực có nhiều lợi thế tôi dự đoán sẽ là công nghệ ứng dụng trong dịch vụ tài chính, giáo dục, y tế, bất động sản, bán lẻ…Tự động hoá, robotics, ứng dụng AI trong các giải pháp cho doanh nghiệp cũng có khá nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain trong games, NFTs, crypto...sẽ vẫn tiếp tục nhận được sự chú ý đặc biệt”, Giám đốc BSSC Trương Lý Hoàng Phi nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh COVID-19
05:16, 25/12/2021
Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup bền bỉ trợ lực cho hơn 400 nhà khoa học
15:43, 24/12/2021
Việt Nam - Ấn Độ: Hướng đến hợp tác năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo
11:54, 18/12/2021
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ
05:18, 16/12/2021
Vicoland ký kết hợp tác 3 bên về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
14:00, 15/12/2021
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo
11:00, 06/12/2021