Đến nay, việc mua sắm, chuyển đổi khoa học và công nghệ (KH&CN) trong cộng đồng doanh nghiệp TP. Đà Nẵng vẫn thiếu vắng các tổ chức trung gian mạnh để phát triển các lĩnh vực chủ lực.
>>Vùng đồng bằng sông Hồng cần ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển
Không chỉ ở TP. Đà Nẵng, mà thị trường KH&CN ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước vẫn còn đang ở dạng sơ khai và từng bước phát triển.
Thiếu giải pháp tổng thể
Đà Nẵng đã thu hút 515 dự án trong nước và ngoài nước đầu tư. Trong đó, có 509 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao, công nghệ thông tin. Ngoài ra, Đà Nẵng đã phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo liên kết, kết nối cung - cầu công nghệ với 06 vườn ươm, 02 không gian sáng tạo và 09 không gian làm việc chung. Cùng với đó, Đà nẵng đã có 10 Câu lạc bộ khởi nghiệp, ươm tạo 147 dự án thành lập khoảng 57 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Mặc dù nhu cầu lớn, song nguồn cung KH&CN trên địa bàn còn nhiều hạn chế, Theo Sở KH&CN Đà Nẵng, thực tế này do các tổ chức trung gian, môi giới và cơ sở hạ tầng của thị trường còn rời rạc, tự phát, chưa liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường. Hoạt động mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị; việc chuyển giao công nghệ, mua bán trên sàn công nghệ, sàn thương mại điện tử còn hạn chế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có đủ năng lực để chủ động tìm kiếm và tiếp cận các thông tin về nguồn cung công nghệ cũng như chưa tích lũy đủ các nguồn lực để tiếp nhận công nghệ mới, công nghệ cao.
Ông Võ Đức Anh, Trưởng Làng Metaverse - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Đà Nẵng, cũng cho rằng thị trường KH&CN Đà Nẵng còn thiếu vắng các tổ chức trung gian mạnh, nhất là các tổ chức có năng lực về tư vấn, định giá, xúc tiến, kết nối chuyển giao công nghệ cũng như các tư vấn viên, môi giới chuyên nghiệp để hỗ trợ giao dịch trong mua bán hàng hóa. Cùng với đó, các doanh nghiệp còn chưa thực sự quan tâm mua sắm hàng hoá KH&CN một phần vì năng lực tài chính có hạn, năng lực tiếp thu, nắm bắt công nghệ mới còn hạn chế và đặc biệt chưa chịu ảnh hưởng nhiều bởi sức ép cạnh tranh, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên thị trường.
“Từ trước đến nay, thành phố vẫn chưa có giải pháp tổng thể để phát triển thị trường KH&CN. Hiện nay, Đà Nẵng chưa có giải pháp kết nối nguồn cung, cầu của thị trường KH&CN. Do đó, Sàn giao dịch công nghệ tại Đà Nẵng cần được nâng cao năng lực để hỗ trợ cho các tổ chức trung gian thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường KH&CN”, ông Võ Đức Anh nhấn mạnh.
>>Khoa học công nghệ ở đâu trong kinh tế tuần hoàn?
Thúc đẩy bằng cách nào?
Để hóa giải các thách thức nói trên, thành phố Đà Nẵng cần xây dựng Đề án phát triển thị trường KH&CN gắn với cuộc cách mạng 4.0, trên cơ sở nghiên cứu chuyên sâu; Đồng thời phân tích thực trạng nguồn cung, cầu công nghệ để có giải pháp tăng lượng giao dịch chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ, hàng hóa KH&CN,...
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường Công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng nên nâng cao năng lực tham gia phát triển thị trường KH&CN của các tổ chức hiện có, hỗ trợ triển khai tiếp nhận, hoàn thiện và thu hút đầu tư công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường. Đồng thời, Đà Nẵng cần có chính sách hỗ trợ ươm tạo và phát triển công nghệ phục vụ phát triển giao thông thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, đô thị thông minh,...
Đặc biệt, việc hỗ trợ liên kết/hợp tác quốc tế, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuẩn hóa các sản phẩm phục vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng là yêu cầu cấp bách. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Về các tổ chức trung gian, ông Chu Quang Thái, Thường trực phía Nam của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) kiến nghị cần tập trung phát triển các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối trong mạng lưới, cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống từ các Viện, tổ chức, Sở, ngành,...; đồng thời phát triển các tổ chức trung gian ở khu vực tư nhân, hiệp hội ngành hàng...
“Cần tạo áp lực cạnh tranh nhằm thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, tăng năng suất cũng như nâng cao hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển; Tập trung vào thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài; Khuyến khích chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước”, ông Thái nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Vùng đồng bằng sông Hồng cần ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển
00:06, 14/02/2023
Nam Định: Nâng tầm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
00:16, 06/02/2023
Khoa học công nghệ ở đâu trong kinh tế tuần hoàn?
03:00, 26/10/2022
Thái Nguyên: Khoa học công nghệ bám sát mục tiêu
18:20, 08/10/2022
Doanh nghiệp Quảng Ninh đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ
01:01, 21/09/2022