“Đón sóng” cổ phiếu

NGUYỄN ANH MINH - Trưởng nhóm đầu tư F319 21/12/2023 11:27

Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư phải bán cổ phiếu cắt lỗ khi thị trường chứng khoán giảm để chờ cơ hội.

>>>Áp lực tăng vốn của các công ty chứng khoán

Việc “cưa chân bàn” cổ phiếu thường gặp ở những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, nhất là khi giá cổ phiếu giảm xuống dưới mức an toàn.

 P/E 12 tháng của VN-INDEX đang giao dịch ở mức 13,6x.

P/E 12 tháng của VN-INDEX đang giao dịch ở mức 13,6x.

Xu hướng đi ngang

VN-Index vẫn chật vật quanh ngưỡng 1.100 điểm trong suốt thời gian qua, nhất là trong quý 4/2023. Dòng tiền chỉ xuất hiện vào những thời điểm thị trường giảm sâu, cho thấy nhà đầu tư dè dặt trong việc xuống tiền tại vùng giá cao.

Thị trường vận động theo xu hướng đi ngang, khiến nhà đầu tư giao dịch rất khó chịu vì mua cổ phiếu chưa kịp về tài khoản đã "tạm lỗ". Vậy thị trường có thể tiếp tục trạng thái "cưa chân bàn" đến bao giờ? Thực tế cho thấy, xu hướng này đang chuẩn bị bước vào giai đoạn trắng đen rõ ràng. Nếu thị trường sớm tăng điểm từ khi chốt NAV quý đến đầu năm 2024, sau đó giảm mạnh thì xu hướng đi ngang sẽ chấm dứt. Ngược lại, nếu thị trường biến động trong biên hẹp như hiện tại thì khả năng trạng thái "cưa chân bàn" sẽ kéo dài cho đến quý 2/2024. Do vậy, đây là một năm khó lướt sóng của nhà đầu tư.

Thời gian tới, VN-Index cần xác nhận vượt những ngưỡng cản với dòng tiền lớn gia nhập thị trường thì mới xác định sóng tăng mới. Do vậy, về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư dài hạn có thể tranh thủ tận dụng cơ hội gom cổ phiếu tại những nhịp giảm từ khoảng cuối tháng 12/2023- 1/2024. Ngược lại, những nhà đầu tư ngắn hạn nên chờ đợi thị trường xác nhận tín hiệu rõ ràng hơn để giải ngân. Do vâỵ, chiến lược “cưa chân bàn” sẽ được ưu tiên hơn cả để đợi con sóng mới trên thị trường xuất hiện.

Lực đỡ thị trường

Mặt bằng lãi suất trong quý 4/2023 đã rơi xuống thấp hơn so với giai đoạn Covid-19. Mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với rủi ro, đó là xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ tạm ngưng trong bối cảnh cả sức mua (trong nước và thế giới) lẫn nhu cầu vốn của nền kinh tế Việt Nam đều chưa có sự cải thiện. Giá cả hàng hóa bật tăng, căng thẳng địa chính trị trên thế giới… tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

>>>Thị trường chứng khoán 2024 dự báo có nhiều điểm sáng tích cực

Trong bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán trong trung hạn sẽ là những nhịp tăng/ giảm đan xen đi cùng sự phân hóa mạnh giữa các các doanh nghiệp đầu ngành với triển vọng kinh doanh ổn định và sức chịu đựng tốt hơn. Về dài hạn, Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả FDI và FII.

Nhìn chung, xu hướng của VN- Index kể từ giai đoạn dịch Covid-19 thường đồng pha với xu hướng biến động của mặt bằng lãi suất. Do vậy, lựa chọn cổ phiếu của từng nhóm ngành mạnh nhất vẫn là ưu tiên số 1 của nhà đầu tư trong thời điểm này.

Xem xét các cổ phiếu nào?

Trong nhóm ngành ngân hàng, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội cũng là một lựa chọn. MBB có những lợi thế đặc biệt nhờ nằm trong khối Quân đội. Trong 9 tháng đầu năm 2023, MBB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 35.556 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 20.019 tỷ đồng nhờ tăng thu nhập từ lãi, tiết giảm chi phí hoạt động và chi phí trích lập. MBB có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% trong 2024 và tiếp tục được ưu tiên tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với bình quân ngành khoảng 1,5 – 2 lần. Do đó, nhà đầu tư dài hạn có thể mở mua mới MBB ở mức 16.000 – 18.000 đồng/cp.

Đối với cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, nhà đầu tư có thể xem xét cổ phiếu IDC của Tổng Công ty IDICO. IDC hoạt động trên các mảng như KCN, BĐS dân cư, sản xuất và phân phối điện, xây lắp cơ sở hạ tầng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, IDC ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.998 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.032 tỷ đồng. Diện tích sẵn sàng cho thuê của IDC lớn lên tới hơn 677ha. Các KCN đều còn nhiều quỹ đất nhất và đang thu hút khá nhiều dòng vốn với giá cho thuê rất tốt lên tới 125 – 135 USD/m2, đều tập trung tại các vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc và phía Nam.

Nhà đầu tư có thể mở mua mới IDC quanh vùng giá 45.000-50.000 đồng/cp. Nếu nhà đầu tư đã mua IDC trên 50.000 đồng/cp, thì có thể tiếp tục “cưa chân bàn”, nắm giữ cho mục tiêu trung hạn 52.000 - 55.000 đồng/cp.

Với cổ phiếu BĐS nhà ở, cổ phiếu NLG của Công ty Cổ phần Nam Long có thể được xem xét đưa vào danh mục đầu tư. NLG là công ty phát triển BĐS lớn trên sàn thuộc phân khúc trung cấp và nhà ở vừa túi tiền. NLG là một trong số ít các công ty BĐS có năng lực tài chính tốt và có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất của thị trường.

NLG thường bán khoảng 50% các dự án cho các đối tác nước ngoài như Nhật Bản… để phát triển các dự án, đồng thời thu ngay dòng tiền về sớm. Các dự án triển khai dạng này điển hình như Akari City, Mizuki Park, tới đây là Paragon Đại Phước…

Nhà đầu tư có thể mở mua mới NLG quanh vùng giá 34.000-36.000 đồng/cp. Nếu nhà đầu tư đã mua cổ phiếu này ở mức giá cao hơn, có thể “cưa bán chân” hạ giá vốn và tiếp tục nắm giữ cho mục tiêu dài hạn ở 40.000-45.000 đồng/cp.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp lực tăng vốn của các công ty chứng khoán

    Áp lực tăng vốn của các công ty chứng khoán

    05:24, 20/12/2023

  • Thị trường chứng khoán 2024 dự báo có nhiều điểm sáng tích cực

    Thị trường chứng khoán 2024 dự báo có nhiều điểm sáng tích cực

    05:04, 16/12/2023

  • Yếu tố nào hỗ trợ thị trường chứng khoán năm 2024?

    Yếu tố nào hỗ trợ thị trường chứng khoán năm 2024?

    12:23, 15/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Đón sóng” cổ phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO