Liên kết nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

THU DUYÊN 13/07/2022 17:20

Đề án phát triển Trung tâm liên kết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp Cần Thơ trở thành trung tâm nông nghiệp của vùng, nhưng vẫn còn đó không ít những trăn trở…

>>Cơ hội nâng tầm giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

Đề án phát triển Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp Cần Thơ trở thành trung tâm nông nghiệp của vùng, nhưng vẫn còn đó không ít những trăn trở…

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội TP Cần Thơ với DĐDN.

- Ông đánh giá thế nào về mô hình hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ (gọt tắt là Trung tâm) dự kiến có diện tích 3.300 hecta, giai đoạn 1 là 450ha, thuộc địa bàn phường Long Tuyền, quận Bình Thuỷ và xã Giai Xuân, huyện Phong Điền.

Trung tâm sẽ được kêu gọi đầu tư ở 4 lĩnh vực: xây dựng hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; sản xuất, chế biến và cuối cùng là cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản và tiêu thụ với 100% vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Trung tâm sẽ thu hút các nhà đầu tư có năng lực chế biến sâu có khả năng tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần so với giá trị của nguyên liệu đầu vào tầm cỡ quốc tế.

Trung tâm sẽ tạo nên một bước đột phá lớn giúp các địa phương trong vùng phát huy được thế mạnh về nông nghiệp vốn đang bị kìm hãm bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu thô, không có sức cạnh tranh và tiêu thụ hiện nay chủ yếu thông qua các thương lái bị ép giá và chịu nhiều rủi ro.

- Những kỳ vọng mà các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đặt vào Đề án này là gì, thưa ông?

Như chúng ta đã biết, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình logistics, mô hình liên kết dọc, liên kết ngang còn nhỏ lẻ, phân tán. Vùng thiếu chiến lược chung trong liên kết phát triển theo ngành cho toàn vùng, thiếu sự phối hợp nội vùng, có tình trạng cạnh tranh kém lành mạnh, làm ảnh hưởng đến lợi ích của từng địa phương và của toàn vùng.

Liên kết đối với thị trường tiêu thụ quốc tế chủ yếu phụ thuộc các cảng trung chuyển ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, hạ tầng kết nối nhiều khâu trung chuyển phát sinh chi phí gián tiếp như thời gian, công bốc dỡ… Việc triển khai thực hiện thương mại điện tử, chuyển đổi số còn chậm so với yêu cầu của thương mại nội địa và thương mại quốc tế.

 Sơ đồ Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sơ đồ Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vì vậy, việc xây dựng Trung tâm tại Cần Thơ sẽ đóng góp trực tiếp cho phát triển nền kinh tế nông nghiệp hiện đại và toàn diện của vùng ĐBSCL với Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng theo tinh thần Nghị quyết 59- NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Kỳ vọng đối với Trung tâm là rất nhiều nhưng cốt lõi là từng bước chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, hiện đại, bền vững mang lại giá trị cao hơn và đưa nông sản ĐBSCL tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn với các khu vực đô thị hóa, công nghiệp hóa tạo ra sự phát triển đột phá.

Trung tâm ra đời sẽ thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, giúp ổn định đầu ra và nâng cao chuỗi giá trị nông sản, khắc phục tình trạng "được mùa, mất giá". Bên cạnh đó, Trung tâm thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản, nông sản khi đến mùa vụ thu hoạch, nếu gặp bất lợi về giá, có thể đưa vào Trung tâm để chế biến và bảo quản, tồn trữ, từ đó chủ động hơn trong tiêu thụ, chờ thời điểm có giá tốt để bán.

Ngoài ra, Trung tâm cần có sàn thương mại điện tử nông sản, sàn đấu giá nông sản để nâng tầm nông sản ĐBSCL, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa tại Trung tâm này để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới.

- Vai trò của Trung tâm là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, dường như vẫn còn những trăn trở của các tỉnh thành ĐBSCL về đề án, thưa ông?

Các trung tâm điều phối nông sản ở các tỉnh sẽ kết nối với trung tâm cấp vùng ở Cần Thơ như thế nào, vai trò của UBND các tỉnh thành ĐBSCL đối với trung tâm, cơ chế phối hợp cấp vùng như thế nào cho hiệu quả, làm thế nào để trung tâm này không chồng chéo với các trung tâm của các tỉnh thành … chính là những vấn đề còn khiến nhiều tỉnh thành trăn trở. Tuy nhiên, việc thành lập Trung tâm này là một việc làm chưa từng có trước đây, nên Chính phủ, các tỉnh thành, vừa làm vừa rút kinh nghiệm cũng là điều đương nhiên.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Vận hội mới cho Đồng bằng sông Cửu Long

    Vận hội mới cho Đồng bằng sông Cửu Long

    02:00, 20/06/2022

  • {PHÓNG SỰ ẢNH} Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

    {PHÓNG SỰ ẢNH} Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

    09:00, 26/05/2022

  • TRỰC TIẾP] Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

    TRỰC TIẾP] Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

    08:15, 26/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Liên kết nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO