Từ Ba Lòng trở ra, nhìn qua cửa sổ xe chỉ thấy đồi trọc và rừng nghèo, một chị trong đoàn hỏi tôi: "Tớ chẳng biết họ làm gì để sống"?
Rất khó lý giải đủ đầy vì sao khúc ruột miền Trung nghèo khó đến vậy, điều kiện sống vốn đã khó, nay lũ về, nhỡ không may “nằm xuống” lại càng khổ hơn. Sinh, lão, bệnh, tử vốn là luân hồi khách quan, thế mà có người chịu không thấu, ngửa cổ than “trời ơi, sao ông không có mắt, buộc con người phải tử tuyệt lúc này”.
Trong ngôi nhà ngập gần tận nóc ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh, nhóm người đang cử hành một lễ tang buồn hiu hắt, chẳng có ai ngoài mấy người thân thích trong gia đình, láng giềng gần đến giúp đỡ, quan tài phải buộc dây treo lên tránh nước, nhẽ ra ngày chưa “đẹp” chưa thể mai táng, nhưng nước đuổi dưới chân…!
Ở Hải Lăng, phương tiện đưa tang là một chiếc bè tự chế bằng nhiều cái săm xe ô tô cỡ lớn bơm đầy hơi ghép lại với nhau chở quan tài băng qua cánh đồng ngập nước, bát hương là cái lon sữa đặc mà người dân xứ này hay dùng để đong gạo, di ảnh chẳng kịp in.
Người Quảng Trị có phong tục chọn nơi mai táng cẩn thận, nhất thiết phải “đắc địa” để mai sau con cháu yên ổn, ăn nên làm ra. Nhưng họ đẩy chiếc bè đi khắp cánh đồng mà nơi nào cũng ngập, thì thôi phải “gửi” tạm nơi cao ráo chờ lũ rút, có trường hợp đành nhắm mắt an táng người thân dưới huyệt mộ ngập đầy nước!.
Hôm đoàn tặng quà cứu trợ, Trung tâm học tập cộng xã Hải Định đông như trẩy hội, một bà cụ người nhỏ thó, nước da nâu sậm, đôi mắt lờ đục, trên tay là cái bao xác rắn và mảnh giấy mời nhận quà nhàu nát, cụ thẩn thờ gặp ai cũng hỏi “tôi có được nhận quà không?”
Đó là tấm phiếu của nhiều ngày trước nay không còn hiệu lực, cụ bảo “chẳng muốn gì ngoài cái xoong, vì nước cuốn trôi hết rồi”. Dĩ nhiên rồi, cụ được “giải quyết” hẳn mấy cái mới toanh như thế, biếu thêm mấy ký gạo, túi áo quần, chăn, nhưng cụ nhất quyết không nhận.
Nông thôn miền Trung chẳng hiếm trường hợp như cụ già kia, họ là lớp người hiếm hoi còn sót lại khi đã kinh qua hai cuộc kháng chiến tàn khốc, không ít trong số đó từng là thanh niên xung phong, biến căn nhà của mình thành căn cứ nuôi dấu cán bộ cách mạng, bản thân họ đã góp một phần cuộc đời để kiến thiết quê hương.
Nhưng với thiên tai, mọi hoàn cảnh đều chung một giàn, bởi thế mà ông Trình, đương kim chủ tịch xã Hải Định xúc động nói với tôi rằng: “Diễn đàn Doanh nghiệp là đoàn cứu trợ duy nhất từ xưa đến nay tặng quà cho các vị lãnh đạo xã bằng những phần quà y hệt như người dân”.
Thú thực, trong trận lũ này, người được xem là khá giả hơn lại thiệt hại nặng nề hơn những người nghèo, họ có thể mất mát hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng vì lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hoa màu, nông sản đã sạch sành sanh theo dòng nước.
Trụ sở UBND xã Ba Lòng nằm trên một gò đất cao ráo, mấy hôm nay phòng làm việc biến thành nhà kho chứa hàng cứu trợ, dưới gầm cầu thang là bếp cơm dã chiến ngổn ngang bát đũa, chè thang. Anh dân quân vừa bưng bát cơm thì được lệnh “ra đón một đoàn cứu trợ”, lập tức buông bát, vớ vội chiếc áo mưa choàng qua người, rồ ga mất hút.
Khi rời khỏi chiến khu Ba Lòng, một chị trong đoàn, người Hà Nội, hỏi tôi: “Tớ không thể nghĩ ra được người dân ở đấy họ làm gì để sống?” Tôi cũng không thể trả lời được câu hỏi ấy khi liếc mắt nhìn qua cửa sổ xe chỉ thấy toàn đồi núi và vực thẳm, kỳ lạ lắm, ở nông thôn nhưng đất nông nghiệp thực sự hiếm hoi.
Lẽ ra, với người miền núi, nguồn sống của họ chính là lâm sản, chính họ phải được hưởng hoa lợi trong những cánh rừng mọc đến sách vách nhà kia. Nhưng không phải, gỗ lạt, muông thú giờ là chuyện “xưa rồi diễm”, nồi cơm của họ đã bị ai đó âm thầm cướp mất, cái mà chúng ta thường thấy là thú chơi đồ gỗ bạc tỷ, đại gia lâm sản, buôn bán hàng tươi sống… nghi ngút cửa nhà.
Tôi cứ băn khoăn mãi câu hỏi của chị trong đoàn. Đồ cứu trợ đối với người dân ở đây là những món xa xỉ, tạm đủ đầy dăm bữa nửa tháng nhưng rồi cũng sẽ hết. Điệp khúc cứu trợ chẳng lẽ cứ mãi vang lên văng vẳng đâu đó?
Chân thành cảm ơn tấm lòng, tình cảm của các nhà hảo tâm, quý doanh nghiệp - VCCI chi nhánh Thanh Hóa |
Có thể bạn quan tâm
“Đồng hành yêu thương”: Kỳ I - “Vết thương” vùng lũ
11:00, 28/10/2020
Lũ lụt miền Trung: Năng lực dự báo... “có vấn đề”
06:00, 25/10/2020
Lũ lụt miền Trung: Ăn của rừng rưng rưng nước mắt...
11:00, 23/10/2020
Lũ lụt miền Trung: Thiên tai hay nhân họa?
11:05, 22/10/2020
Cận cảnh xoáy nước, nước lũ đùn lên ở Quảng Trị
10:51, 18/10/2020
Lũ vượt đỉnh lịch sử năm 1999, Quảng Trị chìm trong biển nước
09:58, 18/10/2020
Quảng trị: Sạt lở núi, nhiều chiến sĩ Sư đoàn 337 bị vùi lấp
07:20, 18/10/2020