Trong bức tranh kinh tế ảm đạm, xuất khẩu đang được xem là một trong những điểm sáng và trở thành động lực lớn nhất giúp nền kinh tế sớm phục hồi.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,7 tỷ USD, tăng 1,8%. Đặc biệt, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu ở mức kỷ lục 16,9 tỷ USD, mức tăng kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm vì dịch COVID-19. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 71,8 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,0 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá 16,9 tỷ USD xuất siêu là con số đáng ghi nhận và đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2020. Kết quả xuất siêu này cũng nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
“Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống giảm nhưng chúng ta tăng trưởng kỷ lục vào những mặt hàng mới, có giá trị gia tăng cao như gạo. 9 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt 2,9 tỷ USD, đây là tín hiệu đáng mừng cho nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, máy móc thiết bị, linh kiện, nội thất, đồ dùng thể thao xuất khẩu tăng”, ông Tiến cho biết.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm vì dịch COVID-19, các chuyên gia cho rằng xuất siêu của Việt Nam vẫn tăng là dấu hiệu đáng mừng, là một trong những trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, với chi phí thấp hơn và cần hướng tới hiệu quả và giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Goldman Sachs lần đầu tiên vừa công bố báo cáo riêng về kinh tế vĩ mô Việt Nam đã đưa ra nhận định rằng động lực lớn nhất giúp nền kinh tế sớm phục hồi đó là xuất khẩu.
Goldman Sachs cho rằng vị trí trong chuỗi cung ứng và địa lý có đường biên giới giáp Trung Quốc, chỉ mất 2-3 giờ lái xe tính từ phía Bắc là lợi thế của Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu; cộng với chi phí lao động cạnh tranh. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với những đối tác lớn còn giúp Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày một gia tăng. Tiếp nữa, việc xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao với sản lượng lớn và giá trị cao tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu sử dụng thiết bị gia dụng và thiết bị phục vụ làm việc tại nhà có xu hướng gia tăng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đó là những lý do mà Goldman Sachs đưa ra và dự báo triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi tuy nhiên mức độ và xu hướng như thế nào phụ thuộc vào diễn biễn của dịch Covid-19.
Theo tổ chức này, trong kịch bản cơ sở, xuất khẩu Việt Nam sẽ đạt hơn 180 tỷ USD vào cuối 2021, với điều kiện vaccine sử dụng rộng rãi ở thời điểm giữa năm tới và những đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều mở cửa trở lại. Ngoài ra, ở kịch bản xấu nhất, thế giới vẫn chưa có vaccine và ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 mới thì kim ngạch xuất khẩu có thể giảm trong năm nay và chỉ tăng nhẹ trong năm tới dù dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường EU bật tăng
03:55, 01/10/2020
Mã số vùng trồng - chìa khoá cho nông sản xuất khẩu
10:10, 26/09/2020
Nâng "chất" cho gạo Việt xuất khẩu
04:00, 24/09/2020
Xuất khẩu thủy sản sẽ chỉ cán đích trên 8 tỷ USD?
04:00, 22/09/2020
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra kỳ vọng tăng tốc vào EU sau dịch
05:00, 21/09/2020