Động lực phấn đấu để Quảng Ninh sớm trở thành trung tâm kết nối vùng

MINH HUỆ - TRUNG THÀNH 04/03/2023 00:06

Nhằm đảm bảo mục tiêu sớm đưa Quảng Ninh sớm trở thành trung tâm kết nối vùng, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, KKT, KCN, hạ tầng cảng biển có tính liên kết vùng.

>>>ĐIỂM BÁO 03/03: Kết nối kinh tế Trục cao tốc phía Đông

Hiện thực hoá mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình dự án có tính liên kết vùng, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế…

Từ phát triển mô hình đa cực...

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, Quảng Ninh kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm đảm bảo mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hiện thực hoá mục tiêu này, Quảng Ninh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình dự án có tính liên kết vùng, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế…

Không gian phát triển tâm - tuyến của Quảng Ninh trong giai đoạn 2020-2025 tiếp tục xác định lấy tâm là TP Hạ Long, trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh, phát triển theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Tuyến hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hoàn thành, đưa vào khai thác, việc kết nối giữa Quảng Ninh - Hải Phòng đã được cải thiện đáng kể, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa 2 khu vực

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hoàn thành, đưa vào khai thác, việc kết nối giữa Quảng Ninh - Hải Phòng đã được cải thiện đáng kể, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa 2 khu vực

Trong đó, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh, phát triển theo mô hình thành phố thông minh với các khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ - cảng biển thông minh, hiện đại. Tuyến phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới Đông Bắc Á, phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ - thương mại, dịch vụ tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch, công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp. Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá…

Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình dự án có tính liên kết vùng, tính động lực cao, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế. Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh vào đầu tháng 4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Đặc biệt, dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ trong 3 giờ; kết nối cung đường Lào Cai - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Tuyến cao tốc này đã giúp kết nối 3 vùng động lực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Cũng từ tuyến cao tốc này, tháng 7/2022, các địa phương gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông, tạo thành chuỗi kinh tế liên kết có diện tích gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh và 8 lần TP Đà Nẵng. Trong đó, Quảng Ninh đóng vai trò là trung tâm kết nối khi sở hữu gần 2/3 trục cao tốc kéo dài từ Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Cầu Bạch Đằng hoàn thành năm 2018 đã góp phần rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa Quảng Ninh - Hải Phòng (ảnh Đỗ Phương)

Cầu Bạch Đằng hoàn thành năm 2018 đã góp phần rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa Quảng Ninh - Hải Phòng (ảnh Đỗ Phương)

Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc hình thành trục cao tốc phía Đông là liên kết kinh tế mạnh, góp phần tạo nên không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, có quy mô lớn, nhiều tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển, hình thành cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sẽ giải quyết những thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng chung.

Không chỉ tham gia trục cao tốc phía Đông, để khẳng định vai trò là trung tâm kết nối, Quảng Ninh đang đẩy mạnh phối hợp với các địa phương phía Bắc của tỉnh, gồm Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh để cải thiện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông liên kết vùng.

Tăng cường liên kết vùng bằng những cơ chế, giải pháp thiết thực

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh đã tăng cường liên kết vùng bằng những cơ chế, giải pháp thiết thực và tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng. 

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị; hơn 10 năm thực hiện Kết luận 47-KL/TW ngày 06/5/2009, Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011, Thông báo số 108-TB/TW ngày 01/10/2012 của Bộ Chính trị, Quảng Ninh đã tập trung khắc phục các hạn chế, khuyết điểm, giải quyết các mâu thuẫn, thách thức cơ bản; phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực để tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược, phát triển nhanh, bền vững, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng. Xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.

Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt, thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững; giảm nhanh khoảng cách chênh lệch vùng miền. Giữ gìn, khơi dậy và phát huy tối đa bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; đã thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đến năm 2020 theo kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 6/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đã khẳng định: Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Dự án Xây dựng cầu Lại Xuân - TX Đồng Triều kết nối thúc đẩy phát triển cân bằng giữa 02 vùng

Dự án Xây dựng cầu Lại Xuân - TX Đồng Triều kết nối thúc đẩy phát triển cân bằng giữa 02 vùng

Trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường liên kết vùng bằng những cơ chế, giải pháp thiết thực. Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2023, Quảng Ninh đã tổ chức ra quân thi công Dự án Đường tỉnh 342, nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn, với quy mô vốn hơn 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Quảng Ninh cũng hợp tác với Hải Dương, Hải Phòng để thực hiện nhiều dự án giao thông, hoàn thiện sự kết nối giữa các địa phương với nhau. Cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với TX Quảng Yên (Quảng Ninh) đang được xây dựng; cầu Lại Xuân nối huyện Thủy Nguyên với TX Đông Triều (Quảng Ninh) vừa mới khởi công (ngày 2/2/2023); cầu Triều nối TX Kinh Môn (Hải Dương) với TX Đông Triều đã hoàn thành…

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đặt ra một nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là “Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng”. Định hướng này cũng là động lực quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa những mục tiêu đã đặt ra. Theo đó với 250km đường bờ biển và trên 6.000km2 diện tích mặt biển, nhiều cảng nước sâu, ít bồi lắng, Quảng Ninh đang có nhiều điều kiện thuận lợi, hơn nữa tỉnh còn nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc, các tuyến vận tải biển kết nối quốc tế...

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh Quảng Ninh, liên kết sâu rộng để phát triển là một trong những định hướng được tỉnh Quảng Ninh xác định và có nhiều phương án nhằm đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Do vậy, Quảng Ninh sẽ ưu tiên cho việc tiếp tục liên kết để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đảm bảo đồng bộ, liên thông tổng thể để thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hoá lãnh thổ.

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ hoàn thiện các hành lang giao thông để kiến tạo nên các hành lang kinh tế, hành lang đô thị; tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản

    Quảng Ninh: Tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản

    11:00, 28/02/2023

  • Quảng Ninh: Đôn đốc, đẩy mạnh phân bổ giải ngân vốn đầu tư công

    Quảng Ninh: Đôn đốc, đẩy mạnh phân bổ giải ngân vốn đầu tư công

    01:33, 01/03/2023

  • Quảng Ninh: Chuẩn bị đón mùa du lịch cao điểm

    Quảng Ninh: Chuẩn bị đón mùa du lịch cao điểm

    03:15, 03/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực phấn đấu để Quảng Ninh sớm trở thành trung tâm kết nối vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO