Kinh tế tư nhân, với nòng cốt là các doanh nghiệp, sẽ tiếp tục đóng góp cho mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng...
>>Chính sách cần tạo nội lực để phát triển kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân với nòng cốt là các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp cho mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường vững vàng trước những biến động của kinh tế thế giới.
Trao đổi với DĐDN, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhấn mạnh: sau gần bốn thập kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất, kinh tế tư nhân hiện nay có vai trò quan trọng trong đóng góp cho GDP, tạo việc làm ổn định và góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đưa Việt Nam từ vị thế của nền kinh tế kém phát triển trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.
- Từ một thành phần của nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân đến nay được xác định có vai trò quan trọng trong tăng trưởng, nắm bắt và hiện thực hoá những cơ hội phát triển kinh tế trong giai đoạn mới sắp tới, thưa ông?
Kinh tế tư nhân càng lớn mạnh, có sức cạnh tranh mạnh mẽ, năng lực chống chịu bền bỉ, nền kinh tế càng có khả năng nắm bắt và hiện thực hoá các cơ hội và hoá giải những thách thức từ nền kinh tế toàn cầu. Sự thành công của các nền kinh tế Đông Á và trước đó là của các quốc gia phát triển cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, của các doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp trong nước.
Sau giai đoạn phát triển dè dặt ban đầu của những ngày đất nước thống nhất, gần bốn thập niên qua đã cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng vai trò quan trọng góp phần hiện thực hoá các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế toàn cầu đồng thời kiên định các mục tiêu về tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Khu vực kinh tế tư nhân cũng là nhân tố quan trọng giúp nền kinh tế lần lượt vượt qua các khó khăn từ các cuộc khủng hoảng, đại dịch COVID -19 và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kinh tế tư nhân, với nòng cốt là các doanh nghiệp, sẽ tiếp tục đóng góp cho mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường có sức chống chọi cao, vững vàng trước các biến động của kinh tế thế giới.
- Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp với chất lượng, hiệu quả kinh doanh được nâng cao, tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP… Thưa ông, đây có phải là những mục tiêu thách thức?
Chất lượng tăng trưởng của kinh tế tư nhân sẽ đóng góp trực tiếp cho chất lượng tăng trưởng và hỗ trợ nền kinh tế tái cấu trúc, dịch chuyển mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào năng suất, đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ, lấy con người làm trung tâm. Đặc biệt, khát vọng trở thành một nền kinh tế tự chủ, hùng cường với tầm nhìn 2045 cần được hỗ trợ bởi một đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn, có năng lực dẫn dắt, có kiến thức và trình độ, có bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc mạnh mẽ.
Song song với nâng cao chất lượng là các nỗ lực nhằm tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp tư nhân. Nhưng cũng phải thừa nhận, mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 thực sự đầy thách thức bởi tới nay chúng ta mới có khoảng 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tăng gấp đôi con số này trong vòng hai năm là khó khả thi. Chúng ta cần có cái nhìn thực tế để từ đó có chiến lược và giải pháp đúng. Mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 dường như hợp lý hơn, nhưng để đạt được mục tiêu này cũng cần có các giải pháp đột phá, thực tế và khả thi, những tư duy mới mạnh mẽ như chúng ta đã từng có khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 1999.
- Những giải pháp đột phá cần tập trung triển khai cụ thể là gì, thưa ông?
Để tăng số lượng doanh nghiệp, cần có những cải cách mạnh mẽ đối với các quy định về doanh nghiệp. Xây dựng một luật riêng về hình thức doanh nghiệp cá thể, trong đó bao gồm hộ kinh doanh và các doanh nghiệp một chủ, cá nhân kinh doanh như đã được Quốc hội thống nhất khi thảo luận và thông qua Luật Doanh nghiệp 2020; đồng thời cải cách một số quy định về quản lý thuế, quản trị, chế độ kế toán phù hợp với loại hình doanh nghiệp cá thể này sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý thuận lợi để chuyển đổi hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Ngoài các nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, phát triển ngành, chương trình và dự án trọng điểm cần gắn với mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong nước. Thực tế cho thấy, các công trình đầu tư công, đặc biệt trong lĩnh vực cầu, đường, cảng, sân bay trong thời gian qua đã đóng góp cho sự hình thành nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, tích luỹ được năng lực về vốn và công nghệ đủ sức đảm đương các công trình lớn mà trước đây chỉ có thể được thực hiện bởi các nhà tài trợ và nhà đầu tư nước ngoài. Nếu có chính sách, cơ chế hợp lý, chắc chắn các chương trình, kế hoạch như dự án đường cao tốc phía Tây, Quy hoạch Phát triển điện VIII, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, xây dựng hệ thống giao thông đường sắt đô thị tại TP. HCM, Hà Nội, sân bay Long Thành, cảng Cần Giờ và rất nhiều dự án khác sẽ mang lại cơ hội vô cùng to lớn để phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn.
Bên cạnh đó, cần được nghiên cứu áp dụng cơ chế gắn kết mối quan hệ kinh tế giữa khu vực DNNN và doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt thông qua các yêu cầu về thầu phụ, hay doanh nghiệp Nhà nước mua hàng hoá, dịch vụ từ các doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó, đưa tiêu chí về đóng góp cho phát triển doanh nghiệp tư nhân, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong nước trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả của các dự án, chương trình trọng điểm...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Chính sách cần tạo nội lực để phát triển kinh tế tư nhân
11:00, 09/04/2023
Ổn định môi trường pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân
04:00, 05/04/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
19:50, 31/03/2023
TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Khơi thông chính sách, phát triển kinh tế tư nhân
16:20, 23/03/2023