Trung bình mỗi tháng từ nay đến cuối năm, Chính phủ và các cơ quan địa phương sẽ phải giải ngân khoảng 87 nghìn tỷ đồng. Đây vừa là động lực cũng vừa là thách thức cho nhóm xây dựng, đầu tư công.
>>Cơ chế liên kết chưa tốt làm giảm hiệu quả đầu tư công
Việc sử dụng chính sách tài khóa để kích cầu nền kinh tế là hết sức cấp thiết trước tình hình vĩ mô thế giới hiện tại không mấy khả quan. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với các nền kinh tế đang phát triển như nước ta thì việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư vào các dự án hạ tầng, năng lượng sẽ đem lại hiệu quả hơn rất nhiều so với các nền kinh tế phát triển. Việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện cho nguồn vốn tư nhân mở rộng trong dài hạn – đây là nguồn vốn có hiệu quả lên tăng trưởng kinh tế lớn nhất, vượt xa hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư công.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước ở thời điểm hiện tại, theo số liệu đến 30/7, giải ngân ước đạt gần 267.000 tỷ đồng. Như vậy, để đạt đúng tiến độ mà chính phủ đề ra (hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân trong 2023), chúng tôi ước tính trong 5 tháng cuối năm, trung bình hàng tháng chính phủ và các cơ quan địa phương sẽ phải giải ngân khoảng 87 nghìn tỷ. Đây vừa là động lực cũng vừa là thách thức cho nhóm xây dựng, đầu tư công trong năm nay.
Tuy nhiên, trước những động thái tích cực hỗ trợ, đẩy mạnh công tác giải ngân, khơi thông dòng vốn nhằm mục tiêu lấy đầu tư công làm mũi nhọn cho phát triển nền kinh tế của Chính phủ trong thời gian gần đây, thì chúng tôi cho rằng mục tiêu này hoàn toàn khả thi.
Ngoài 12 dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam (CTBN) giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 148.492 tỷ đồng đã được khởi công đầu 2023, ba dự án đặc biệt được kỳ vọng lớn ở thời điểm hiện tại gồm: (1) Hạng mục chính của sân bay Long Thành, (2) Vành đai 3 Tp.HCM và (3) Vành đai 4 Tp. Hà Nội sẽ là động lực tăng trưởng chính đối với ngành đầu tư công trong giai đoạn 2023 – 2027, đảm bảo lượng công việc dồi dào cho các doanh nghiệp tham gia.
Đầu tư công có tính lan tỏa lớn đến nhiều ngành nghề, trong đó xây dựng hạ tầng và khai thác đá xây dựng được FIDT đánh giá là 2 ngành hưởng lợi trực tiếp trong quá trình thúc đẩy đầu tư.
Với ngành xây dựng hạ tầng các dự án đầu tư công đều là những dự án có quy mô lớn, đòi hỏi cao về kỹ thuật cũng như tiến độ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp và liên doanh có khả năng đáp ứng được các yêu cầu trên còn hạn chế. Vì vậy nhiều doanh nghiệp – liên doanh liên tục trúng các gói thầu dự án quan trọng, tạo đột biến về kỳ vọng doanh thu cũng như lợi nhuận. Thị trường cũng chứng kiến sự tập trung dòng tiền rõ kể từ khi 12 dự án Cao tốc Bắc -Nam tìm được nhà thầu.
>>>Thủ tướng phân công giải quyết vướng mắc trong đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông
Đối với ngành đá xây dựng, đa số các công trình đầu tư công trong thời gian tới tập trung ở khu vực Nam Bộ, mà đây là khu vực ít mỏ đá. Số ít mỏ đạt đủ yêu cầu về trữ lượng cũng như chất lượng cho các dự án thì lại thuộc sở hữu của một nhóm nhỏ các công ty có niêm yết trên sàn. Chúng tôi kỳ vọng với việc gần như không có đối thủ cạnh tranh trong việc cung cấp, kinh doanh một trong các nguyên vật liệu thiết yếu nhất của các dự án đầu tư công, các doanh nghiệp ngành đá xây dựng sẽ có đột biến rất lớn về lợi nhuận cũng như doanh thu trong thời gian tới.
HHV - Năng lực thi công vượt trội nhóm đầu tư công
CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả là một trong những đơn vị có năng lực xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đứng đầu cả nước do: Năng lực thi công đã được chứng minh qua các dự án có độ khó cao như hầm vượt núi,... và tiến độ thi công đúng thời hạn; Làm chủ các kĩ thuật và công nghệ thi công cao cấp, có độ khó cao như hầm vượt núi; Năng lực tài chính ngày càng được cải thiện thông qua các kế hoạch tăng vốn.
Nhờ vậy HHV đã trúng thầu rất nhiều công trình lớn trong, theo cập nhật của FIDT thì tổng giá trị backlog hiện nay của HHV lên đến ~ 16 nghìn tỷ đồng (gấp 7,5 lần doanh thu năm 2022), điều này sẽ đảm bảo khối lượng công việc cho HHV trong giai đoạn 2023-2025. Ngoài ra, chúng tôi đánh giá cao khả năng trúng thầu của HHV đối với các dự án trong tương lai. Theo Ban lãnh đạo HHV chia sẻ, hiện tại HHV đang đấu thầu cho một số dự án hạ tầng khác như BOT Hữu Nghị - Chi Lăng (tổng mức đầu tư 10,6 nghìn tỷ), BOT Đồng Đăng – Trà Lĩnh (tổng mức đầu tư 13,2 nghìn tỷ) và BOT Tân Phú – Bảo Lộc (tổng mức đầu tư 17,2 nghìn tỷ).
HHV sở hữu hệ thống BOT bao gồm: Hầm Hải Vân (Huế), Hầm Đèo Cả (Bình Định), Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, ... Chúng tôi đánh giá HHV sở hữu hệ thống BOT có hiệu lượng xe đi qua thuộc nhóm nhiều nhất các BOT tư nhân trong nước do (1) hệ thống BOT nằm trên các trục quốc lộ huyết mạch (2) hệ thống BOT nằm ở các tỉnh sẽ được hưởng lợi từ du lịch hồi phục như Huế, Bình Định, Nha Trang,...
Hệ thống BOT của HHV sẽ tăng trưởng mạnh mẽ về lượng xe lưu thông trong năm 2023 do (1) du lịch hồi phục sau đại dịch (2) Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đi vào hoạt động từ đầu năm 2023 và (3) lượng xe lưu thông trên cả nước dần hồi phục sau đại dịch.
Do vậy, HHV là một mục tiêu đầu tư tiềm năng khi định giá ở mức phù hợp, tiềm năng tăng trưởng rõ ràng và sở hữu nhiều tài sản có gì trị đặc biệt. Chúng tôi áp dụng phương pháp định giá so sánh P/B đối với một số doanh nghiệp cùng ngành, định giá hợp lý đối với cổ phiếu HHV là 19.215 đồng/cp.
Có thể bạn quan tâm