Đồng Nhân dân tệ giảm - Lưu ý khi "mía không ngọt cả 2 đầu"

DIỄM NGỌC 16/07/2023 05:01

Khả năng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá là có thể xảy ra, vì vậy, Việt Nam cần thận trọng trong bối cảnh mối tương quan giữa hai đồng tiền ở mức thấp, sẽ không tốt cho xuất khẩu nói chung.

>>“Bài test” tỷ giá cho những tháng cuối năm 2023

Trung Quốc sẽ linh hoạt chính sách tỷ giá

Vào ngày 14/7, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phát đi tín hiệu rằng, họ sẽ tập trung vào sự linh hoạt của đồng Nhân dân tệ nhằm phản ánh kịp thời nhu cầu thị trường và hấp thụ các cú sốc bên ngoài.

Đồng Nhân dân tệ đã giảm xuống dưới điểm tâm lý quan trọng 7,0 so với đô la Mỹ lần thứ tư kể từ năm 2019. Ảnh: AP

Đồng Nhân dân tệ đã giảm xuống dưới điểm tâm lý quan trọng 7,0 so với đô la Mỹ lần thứ tư kể từ năm 2019. Ảnh: AP

Đặc biệt trong thời gian này, Trung Quốc sẽ không để “tâm lý đám đông” phá vỡ thị trường ngoại hối, khi nền kinh tế quốc gia đang ở một ngã ba quan trọng của quá trình phục hồi.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, các quan chức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng bác bỏ những lo ngại của phương Tây về việc Trung Quốc cố tình phá giá đồng Nhân dân tệ để nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu đang gặp khó khăn.

Hiện PBoC vẫn lạc quan về các dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, về thu nhập và tiêu dùng hộ gia đình cũng như có “cơ hội tốt” để cải cách cơ cấu, bất chấp việc các ngân hàng đầu tư nước ngoài đã đưa ra ước tính giảm tăng trưởng của Trung Quốc trước những cơn gió ngược gia tăng.

Phó Thống đốc PBoC - Liu Guoqiang nói rằng, cơ quan điều hành sẽ không từ bỏ sự tập trung vào các chính sách của mình. Hiện Trung Quốc đã tích lũy được nhiều công cụ để đối phó với sự biến động của đồng Nhân dân tệ và chính quyền có đủ tự tin, điều kiện và khả năng để đối phó với các cú sốc khác nhau, nhằm duy trì hoạt động trơn tru của thị trường ngoại hối. “Còn các công cụ chính sách cụ thể, chúng tôi sẽ sử dụng hợp lý tùy theo nhu cầu của tình hình kinh tế”.

Các bình luận được đưa ra khi đồng Nhân dân tệ đã giảm xuống dưới điểm tâm lý quan trọng là 7,0 CNY/USD lần thứ tư kể từ năm 2019, trong bối cảnh những lo lắng gia tăng khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại.

Theo ông Liu, tỷ giá hối đoái là trung lập và việc thao túng đồng Nhân dân tệ tùy tiện sẽ chỉ gây hại, điều này nhằm xua tan suy đoán rằng Trung Quốc sẽ phá giá đồng tiền để làm cho xuất khẩu cạnh tranh hơn.

Có thể nói, Trung Quốc vừa là nhà xuất khẩu lớn vừa là nhà nhập khẩu lớn. “Mía không bao giờ ngọt cả hai đầu” nghĩa là tỷ giá Nhân dân tệ quá cao hay quá thấp đều không tốt.

“Tỷ giá nhìn chung do thị trường quyết định. Nhưng cũng cần phát huy tốt hơn nữa vai trò đồng thời của thị trường và Nhà nước, kiên quyết tránh các đợt tăng - giảm mạnh của tỷ giá”, Phó Thống đốc PBoC bày tỏ.

>>Áp lực tỷ giá từ Nhân dân tệ

Lưu ý với Việt Nam

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cũng đã đề cập đến việc tỷ giá Nhân dân tệ giảm mạnh sẽ là điều cần lưu tâm với nền kinh tế Việt Nam.

Các đối thủ của Việt Nam trong việc xuất khẩu, gồm các nước Đông Nam Á và Trung Quốc có đồng tiền yếu đi khá mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng tới chúng ta

Các đối thủ của Việt Nam trong việc xuất khẩu, gồm các nước Đông Nam Á và Trung Quốc có đồng tiền yếu đi khá mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng tới chúng ta

Cụ thể, mối tương quan giữa các đồng tiền trong khu vực châu Á với Nhân dân tệ rất cao, nghĩa là khi Nhân dân tệ tăng hay giảm, thì các đồng tiền đều thuận chiều. Riêng Việt Nam trong năm nay có chính sách hoàn toàn độc lập, khiến sự tương quan giữa VND và CNY ở mức rất thấp tính đến ngày 1/1/2023.

“Giả sử cả Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc cùng xuất khẩu, mà Nhân dân tệ yếu đi thì đồng Baht Thái cũng yếu đi, chỉ còn VND mạnh hơn sẽ không tốt cho xuất khẩu nói chung. Do đó tôi vẫn muốn chia sẻ một điều là tỷ giá sẽ còn là chủ đề cần được quan tâm trong thời gian sắp tới, khi lãi suất Mỹ tiếp tục tăng và nếu 3 tháng tới chúng ta vẫn giữ được tỷ giá, thì cần phải xem kỹ cán cân xuất nhập khẩu.

Các đối thủ của Việt Nam trong việc xuất khẩu, gồm các nước Đông Nam Á và Trung Quốc có đồng tiền yếu đi khá mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng tới chúng ta”, ông Tuấn lưu ý.

Tương tự, các nhà phân tích của công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, đồng Nhân dân tệ đã mất giá khoảng 5,2% trong nửa đầu năm 2023, là đáng kể so với mức mất giá khoảng 8,5% trong năm 2022. Sự phục hồi tăng trưởng sau mở cửa của Trung Quốc gây thất vọng và chính sách nới lỏng tiền tệ tiếp diễn trong nửa sau của năm nay đưa đến kỳ vọng đồng Nhân dân tệ sẽ còn mất giá thêm trong năm 2023.

“Với mức tương quan giữa đồng VND và đồng CNY, chúng tôi cho rằng diễn biến “đứng yên” nửa đầu năm khó có thể duy trì được lâu”, VDSC nhận định.

Chưa kể gần đây, Trung Quốc đã tăng cường thành lập nhà máy gần các nước trong khu vực ASEAN, cho thấy cách các nhà sản xuất đang chuyển đến Đông Nam Á để tránh thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.

Cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc - ông Wei Jianguo cho biết tại một hội thảo rằng, một thị trường chung ở châu Á có thể tái cấu trúc các yếu tố sản xuất và định hình lại cấu trúc kinh tế toàn cầu cũng như bối cảnh cạnh tranh.

“Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn từ quá trình toàn cầu hóa, trở thành công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, sự chia cắt về địa chính trị như chiến tranh Nga-Ukraine, quan hệ đối tác chiến lược giữa Bắc Kinh và Mátxcơva hay Mỹ và EU tránh xa Trung Quốc có khả năng phân chia sản xuất toàn cầu thành ba trung tâm phụ gồm: Bắc Mỹ , Châu Âu và Châu Á”, ông nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Đối lập chính sách gây áp lực gia tăng lên đồng Nhân dân tệ

    05:00, 22/06/2023

  • Liệu đồng đô la Mỹ có bị soán ngôi bởi Nhân dân tệ?

    05:00, 26/05/2023

  • Rào cản hạn chế tiến trình quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ

    04:01, 17/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đồng Nhân dân tệ giảm - Lưu ý khi "mía không ngọt cả 2 đầu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO