Các nhà phân tích dự báo, đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá so với đô la Mỹ và các nhà đầu tư có thể tiếp tục bán tháo cổ phiếu Trung Quốc.
>>Trung Quốc khó quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ
Trước sự gián đoạn kinh tế gia tăng trong bối cảnh chiến lược zero-Covid của Trung Quốc và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất tới đây đã trở thành mối bận tâm lớn của Bắc Kinh. Điều này cũng thúc đẩy suy đoán về sự suy yếu và biến động mạnh mẽ của đồng Nhân dân tệ.
Đồng tiền của Trung Quốc đã cho thấy một sự suy yếu đáng kể trong tuần này khi mất giá hơn 1% và gần 2% trong tháng, khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại về việc ổn định giá cả và việc làm.
Wang Chunying, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước cho biết, sự co giãn lớn hơn của tỷ giá hối đoái Nhân dân tệ trong những năm gần đây đã làm giảm áp lực bên ngoài một cách hiệu quả và kịp thời. “Khi các công ty trở nên linh hoạt hơn trong việc thu xếp ngoại tệ, sẽ giúp cho sự ổn định chung của tỷ giá hối đoái Nhân dân tệ và hoạt động ổn định của thị trường ngoại hối”.
Theo đó, tỷ giá giao ngay ở nước ngoài được báo cáo ở mức 6,53 CNY/USD trong tháng này, khi tỷ giá trong nước suy yếu xuống 6,49 CNY/USD lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021.
Jingyang Chen, chiến lược gia ngoại hối châu Á của HSBC nhận định, rủi ro đối với tiền tệ vẫn nghiêng về sự suy yếu hơn nữa trong thời gian tới. Dữ liệu trong tháng 4 cho thấy, sự gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng do các biện pháp ngăn chặn COVID-19 gây ra ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử - khu vực chiếm gần ¼ GDP của Trung Quốc.
Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang đã không đề cập đến vấn đề tỷ giá hối đoái của Đồng nhân dân tệ trong bài phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, nhưng vị Thống đốc đã nhấn mạnh đến chính sách hỗ trợ thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhóm dễ bị tổn thương.
Ông nói: “Mục tiêu chính của chính sách tiền tệ của Trung Quốc là ổn định giá cả. Một khi sản xuất ngũ cốc và cung cấp năng lượng có thể được đảm bảo, mức giá sẽ được ổn định trong phạm vi hợp lý".
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại vào tuần trước thấp hơn dự kiến, nhưng giữ nguyên lãi suất chính sách và lãi suất cơ bản cho vay.
Các nhà phân tích dự báo, đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá so với đô la Mỹ và các nhà đầu tư có thể tiếp tục bán tháo cổ phiếu Trung Quốc. Theo Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của một công ty ngoại hối cho biết, chứng khoán Trung Quốc sẽ vẫn còn nhiều thách thức và mức 6,5 CNY/USD có vẻ sẽ đến sớm hơn nhiều so với dự kiến.
Bắc Kinh từ lâu đã tập trung vào việc duy trì sự ổn định cơ bản của tỷ giá đồng Nhân dân tệ và biến động hai chiều, nhưng họ cũng đề cập đến việc sử dụng khả năng co giãn của nó để hấp thụ các cú sốc bên ngoài.
Những lo lắng về sự tăng trưởng của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, mặc dù mức tăng trưởng 4,8% trong quý đầu tiên tốt hơn dự kiến và việc thu hẹp lãi suất giữa Trung Quốc với Mỹ đã thúc đẩy việc bán tháo tài sản. Nhiều tổ chức kinh tế đã hạ ước tính tăng trưởng năm 2022 của nền kinh tế Trung Quốc xuống khoảng từ 4 - 4,5%, thấp hơn mục tiêu của Bắc Kinh là khoảng 5,5%. Dường như việc tăng lãi suất sắp tới của FED đang thu hút dòng vốn trở lại, với lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Trung Quốc nắm giữ ở mức 2,85%, thấp hơn 2,9% đối với trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.
>>Trung Quốc có thể thực hiện thêm các biện pháp để ổn định Nhân dân tệ
Các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của họ xuống 112,5 tỷ Nhân dân tệ (17,5 tỷ USD) trong tháng 3, sau khi giảm 80,3 tỷ Nhân dân tệ một tháng trước đó.
Huang Yiping, Giáo sư Đại học Bắc Kinh nhận định, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt sẽ gây áp lực lên Trung Quốc và siết chặt dư địa nới lỏng. Tuy nhiên, tác động sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính và sự ổn định kinh tế của Trung Quốc. “Nếu nền kinh tế vĩ mô của chúng ta không ổn định, việc FED tăng lãi suất quy mô lớn có thể gây ra vấn đề lớn cho tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư”.
Theo nhiều nhà phân tích, nếu đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm sẽ gây ra nhiều biến động cho kinh tế Trung Quốc và các nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Nếu đây là cách để Trung Quốc vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh nhiều bất ổn gia tăng, thì Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi những biến động tỷ giá của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng từng nhận định, những tác động đến nền kinh tế Việt Nam do đồng Nhân dân tệ mất giá dù ít hay nhiều là không thể tránh khỏi, trong bối cảnh như vậy, cần thiết phải có những biện pháp để giảm tác động tiêu cực đến kinh tế đất nước. Một trong những cách tốt nhất, là cần tiếp tục giảm bớt những thủ tục hành chính, những chi phí không cần thiết để doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh tốt hơn không chỉ đối với doanh nghiệp Trung Quốc mà cả những doanh nghiệp các khu vực khác. Cần kiểm soát tốt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là đường tiểu ngạch vì khi đồng Nhân dân tệ mất giá như vậy, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam rất nhiều.
“Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị hạn chế và ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Khi hàng Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, cạnh tranh với hàng trong nước sẽ khiến hàng trong nước mất lợi thế trên sân nhà và đưa nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vào thế khó khăn. Trong trường hợp ảnh hưởng tới nền kinh tế của Việt Nam như vậy, thì phải điều chỉnh tỷ giá giữa Việt Nam đối với đồng USD và tỷ giá giữa VND với đồng CNY để hạn chế hàng của Trung Quốc vào Việt Nam và giá không rẻ đi nhiều so với việc điều chỉnh tỷ giá”, vị chuyên gia phân tích.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 25/03/2022
05:15, 06/03/2022
05:00, 26/02/2022
05:15, 19/02/2022