Tín dụng - Ngân hàng

Đồng USD sụt giảm mạnh do lo ngại từ chính sách thuế mới của Mỹ

Diễm Ngọc 05/04/2025 04:18

Đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng giữa lúc thị trường toàn cầu rúng động bởi thông tin Mỹ công bố mức thuế quan mới với tất cả các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ.

Động thái thuế quan này được đánh giá là bước leo thang đáng kể trong chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ, làm dấy lên lo ngại sâu rộng về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ, đồng thời kéo theo sự suy yếu nhanh chóng của đồng bạc xanh trên thị trường tiền tệ toàn cầu.

Ảnh màn hình 2025-04-04 lúc 20.32.30
Đồng USD cũng mất giá mạnh so với cả đồng yên Nhật và franc Thụy Sĩ, hai loại tiền thường được xem là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn. Ảnh: Reuters

Chỉ số Bloomberg Dollar Spot - thước đo sức mạnh đồng USD so với rổ tiền tệ chính đã giảm tới 1%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Đồng USD cũng mất giá mạnh so với cả đồng yên Nhật và franc Thụy Sĩ, hai loại tiền thường được xem là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn. Trong khi đó, đồng Euro ghi nhận mức tăng hơn 1%, đạt mức mạnh nhất trong 6 tháng.

Sự mất giá của đồng USD phản ánh tâm lý lo ngại của các nhà giao dịch trước tác động kinh tế tiêu cực từ chính sách thuế quan mới. Cụ thể là Tổng thống Trump cho biết sẽ áp mức thuế tối thiểu 10% đối với tất cả các nước xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ và cao hơn nữa đối với khoảng 60 quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Động thái này ngay lập tức gặp phải sự phản đối từ các đối tác thương mại lớn như Canada và Trung Quốc, khi hai quốc gia tuyên bố sẽ có biện pháp đối phó tương xứng.

Có thể thấy, chính sách thuế mới được đánh giá là nghiêm ngặt hơn nhiều so với kỳ vọng trước đó và có nguy cơ đẩy giá trị hàng nghìn tỷ USD hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng vọt, từ đó làm gia tăng chi phí sinh hoạt, ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng nội địa, cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Ảnh màn hình 2025-04-04 lúc 20.32.50
Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để ổn định tỷ giá

Giới phân tích cho rằng đợt sụt giảm của đồng USD lần này không chỉ là phản ứng tạm thời, mà còn tiềm ẩn xu hướng dài hạn nếu các yếu tố bất ổn kinh tế tiếp tục kéo dài. Ray Attrill, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại National Australia Bank Ltd. nhận định: “Mối lo ngại về tăng trưởng của Hoa Kỳ ngày càng trầm trọng hơn do tin tức về thuế quan và sự sụt giảm liên quan đến cổ phiếu Hoa Kỳ, có nghĩa đồng USD không còn được hưởng vai trò là nơi trú ẩn an toàn truyền thống và hỗ trợ vị thế tiền tệ dự trữ”.

Theo truyền thông quốc tế đưa tin, thị trường trái phiếu và kỳ vọng chính sách tiền tệ cũng cho thấy dấu hiệu đảo chiều đáng kể. Rủi ro đối với kinh tế Mỹ khiến nhà đầu tư đẩy mạnh đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến để ứng phó với triển vọng tăng trưởng chậm lại. Các hợp đồng hoán đổi chỉ số qua đêm, một công cụ dự báo chính sách tiền tệ hiện phản ánh khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 lên tới 84%, tăng từ mức 76% chỉ một ngày trước đó. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm gần 4%, cho thấy nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi trú ẩn và kỳ vọng môi trường lãi suất thấp hơn trong tương lai gần.

Các chiến lược gia tại Deutsche Bank, dẫn đầu bởi George Saravelos bày tỏ đồng tình với nhận định rằng xu hướng giảm giá của đồng USD hiện nay là phản ánh rõ nét đánh giá của thị trường về độ tin cậy chính sách tài khóa Mỹ, cũng như triển vọng tăng trưởng so với phần còn lại của thế giới.

Trong bối cảnh chính sách thuế quan chưa có dấu hiệu dừng lại, đồng thời các đối tác thương mại chuẩn bị đưa ra biện pháp đáp trả, thị trường tài chính toàn cầu có thể sẽ còn chứng kiến thêm nhiều đợt biến động lớn. Đối với đồng đô la Mỹ - biểu tượng của sức mạnh tài chính Hoa Kỳ, đây có thể là khởi đầu cho một giai đoạn suy yếu kéo dài nếu các yếu tố nền tảng về tăng trưởng và chính sách không được điều chỉnh hợp lý.

Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để ổn định tỷ giá, đồng thời cho rằng cửa đàm phán về thuế quan với Mỹ vẫn còn rất lớn.

Ông Phạm Lưu Hưng, Giám đốc SSI Research phân tích, VND đã điều chỉnh giảm giá so với USD trong một thời gian dài trước đó, nên đã tạo ra một "bộ đệm" nhất định. Vì vậy, áp lực điều chỉnh tỷ giá trong ngắn hạn có thể không quá mạnh. “Tỷ giá vẫn là yếu tố cần theo dõi sát, nhưng NHNN vẫn có khả năng kiểm soát trong ngắn hạn nhờ các công cụ chính sách hiện có”.

Nhóm chuyên gia tại AFA Capital bình luận dù tình hình có khó khăn, nhưng chúng ta vẫn cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng và chờ đợi thêm thông tin trong tuần tới, khi các đàm phán chính thức có hiệu lực.

Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam, nhưng với sự chuẩn bị tốt, chúng ta có thể vượt qua. Chúng ta cần phải theo dõi sát sao diễn biến của thị trường và các biện pháp thuế mà Mỹ sẽ áp dụng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những bước đi cụ thể để hỗ trợ các ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Thực tế trong dài hạn, các biện pháp này có thể thúc đẩy sự cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, cần có sự phối hợp giữa các ngành và các cơ quan chức năng để đối phó với những thay đổi về chính sách thuế. Chúng ta cần làm việc cùng nhau để tạo ra những cơ hội mới, giữ vững ổn định kinh tế và bảo vệ lợi ích của đất nước.

"Dù tình hình có khó khăn thế nào, với sự kiên trì và chiến lược đúng đắn, Việt Nam sẽ vượt qua thách thức và tiếp tục phát triển mạnh mẽ", nhóm chuyên gia nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đồng USD sụt giảm mạnh do lo ngại từ chính sách thuế mới của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO