Dự án Khu dân cư 20 năm ách tắc tại Sơn La: “Tiền trảm, hậu không tấu”

NGUYÊN NGỌC 01/08/2022 03:00

Dự án Khu dân cư Đông Nam bến xe thành phố Sơn La được Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và giao đất thực hiện dự án.

>>Nhiều “bất thường” trong thu hồi dự án tại Khánh Hòa

 Khu đất tỉnh Sơn La thu hồi của Công ty Giang Sơn để giao cho Công ty cổ phần May DNNN thuê

Khu đất tỉnh Sơn La thu hồi của Công ty Giang Sơn để giao cho Công ty cổ phần May DNNN thuê

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Sơn La đã 2 lần tự ý điều chỉnh, thay đổi chủ đầu tư trước khi dừng triển khai dự án mà không báo cáo Thủ tướng.

Tự thay đổi chủ đầu tư

Thực tế tại dự án Khu dân cư mới phía Đông Nam bến xe thị xã Sơn La (nay là Khu dân cư Đông Nam bến xe thành phố Sơn La), Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 294/CP-NN ngày 01/3/2004 đồng ý chủ trương thực hiện theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/6/2004 về giao đất thực hiện dự án. Tiếp theo đó, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 1647/QĐ-UBND ngày 18/6/2004 về giao đất cho Công ty TNHH Giang Sơn (nay là Công ty CP Giang Sơn).

Mặc dù vậy, chỉ 7 tháng sau khi Công ty Giang Sơn được giao đất, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 11/2005/QĐ-UBND ngày 26/01/2005 quy định thống nhất thực hiện 8 dự án sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng (gồm dự án Khu dân cư mới phía Đông Nam bến xe thị xã Sơn La). Quyết định số 11/2005/QĐ-UBND đã chuyển vai trò chủ đầu tư từ Công ty Giang Sơn sang UBND thị xã Sơn La. Đây là quyết định trái pháp luật bởi Luật Xây dựng năm 2003 quy định “chủ đầu tư dự án là người sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình”.

Tuy nhiên, phải hơn 2 năm sau UBND tỉnh Sơn La mới khắc phục sai sót nêu trên bằng việc ban hành Quyết định số 1276/QĐ-UBND ngày 24/5/2007 để giao lại cho Công ty Giang Sơn làm chủ đầu tư dự án.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm

Một trong các quyết định không phù hợp của chính quyền tỉnh Sơn La là việc tự ý ban hành Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 về việc dừng triển khai 4 dự án dùng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm dự án Khu dân cư Đông Nam bến xe thành phố Sơn La, khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sai sót trong áp dụng pháp luật của UBND tỉnh Sơn La còn thể hiện ở việc ban hành Quyết định số 3379/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 về thu hồi 21.169m2 đất đã giao cho Công ty Giang Sơn để cho Công ty cổ phần may DNN thuê thực hiện dự án xây dựng nhà máy may DNN (sau đó được điều chỉnh bằng Quyết định số 1880/QĐ-UBND ngày 04/6/2016, diện tích đất giảm còn 19.990m2).

>>Khánh Hòa: Sở Kế hoạch và Đầu tư "thừa nhận" tham mưu thu hồi dự án sai

Đây là sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ tại Kết luận số 1035/KL-TTCP ngày 30/6/2021: Công ty cổ phần may DNN không ký quỹ đầu tư theo Luật Đầu tư 2014; cho thuê đất không có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của UBND thành phố Sơn La là vi phạm Điều 52 Luật Đất đai; quyết định thu hồi đất của Công ty Giang Sơn giao cho Công ty Cổ phần May DNN thuê là vi phạm Điều 62 Luật Đất đai.

Do Công ty cổ phần may DNN không triển khai dự án, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 286/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 chấm dứt hoạt động và thu hồi quyết định chủ trương đầu tư dự án. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo thủ tục thu hồi diện tích 2ha đất của Công ty Cổ phần May DNN để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý.

Khi ra quyết định thu hồi 2ha đất đã được Thủ tướng giao thực hiện dự án Khu dân cư để cho Công ty cổ phần may DNN thuê, UBND tỉnh Sơn La tiếp tục không báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tại sao phải báo cáo Thủ tướng?

Những năm cuối thập niên 1990, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng của đất nước còn yếu kém, Nhà nước đã áp dụng cơ chế “giao đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng”. Thuật ngữ này bắt đầu được sử dụng từ Luật Đất đai sửa đổi năm 1998, được làm rõ thêm về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất tại Luật Đất đai sửa đổi năm 2001 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 04/2000/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai sửa đổi năm 1998 (sửa đổi bởi Nghị định số 66/2001/NĐ-CP).

Đây có thể coi là “cơ chế thử nghiệm” trước khi áp dụng cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT) sau này. Với đặc điểm một “cơ chế thử nghiệm” nên pháp luật thời kỳ này quy định việc giao đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc thẩm quyền của Chính phủ đối với mọi dự án không phân biệt quy mô lớn nhỏ.

Áp dụng nguyên tắc đã nêu ở trên, dự án Khu dân cư Đông Nam bến xe thành phố Sơn La được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư nên nếu vì bất kỳ lý do chủ quan hay khách quan nào dẫn đến phải dừng/chấm dứt thực hiện dự án thì UBND tỉnh Sơn La phải báo cáo Thủ tướng. Chỉ sau khi được Thủ tướng cho phép dừng triển khai dự án thì UBND tỉnh mới được ban hành quyết định như trên.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần đảm bảo quyền lợi người dân khi thu hồi dự án An Thịnh PPC

    Cần đảm bảo quyền lợi người dân khi thu hồi dự án An Thịnh PPC

    19:00, 08/05/2021

  • Khánh Hòa: Sở Kế hoạch và Đầu tư

    Khánh Hòa: Sở Kế hoạch và Đầu tư "thừa nhận" tham mưu thu hồi dự án sai

    04:40, 02/04/2021

  • Nhiều “bất thường” trong thu hồi dự án tại Khánh Hòa

    Nhiều “bất thường” trong thu hồi dự án tại Khánh Hòa

    11:00, 29/11/2020

  • Kiến nghị thu hồi dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước

    Kiến nghị thu hồi dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước

    21:18, 15/08/2020

  • Trung tâm thương mại và chợ Hạ Long III: Thay tên, đổi quy hoạch để tránh… thu hồi dự án?

    Trung tâm thương mại và chợ Hạ Long III: Thay tên, đổi quy hoạch để tránh… thu hồi dự án?

    11:20, 22/12/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án Khu dân cư 20 năm ách tắc tại Sơn La: “Tiền trảm, hậu không tấu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO