Thực tế hiện nay, khoảng 80 - 90% các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượng vào khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình.
>>An ninh năng lượng và câu chuyện của Quảng Ninh
Dự án An ninh Năng lượng Đô thị Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phát động vòng 3 của Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo “Người kiến tạo năng lượng tương lai” nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các đơn vị đang cần triển khai thí điểm trình diễn các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới cho hệ thống năng lượng đô thị phân tán, tiên tiến tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Thông qua Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo (ICF) các tổ chức tham gia sẽ có cơ hội nhận tài trợ lên đến 100.000 USD mỗi đề án để thí điểm trình diễn giải pháp, tiến đến nhân rộng hoặc ứng dụng thương mại.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Dự án An ninh năng lượng Việt Nam, sau vòng đầu tiên, chương trình đã hỗ trợ cho 5 dự án bao gồm: Hệ thống pin lưu trữ năng lượng, Hệ thống lưu trữ lạnh, Hệ thống điều khiển cụm máy nén khí thông minh, Bộ đo đếm điện sinh thái và ứng dụng điện thoại di động khuyến khích người dùng sử dụng năng lượng tiết kiệm. Dự án đang đánh giá và lựa chọn các dự tiềm năng cho Vòng 2. Hiện tại chương trình đang kêu gọi các dự án thí điểm, trình diễn tham gia nộp đề án Vòng 3.
Phát triển kinh tế bền vững gắn liền với năng lượng sạch
Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh về nhu cầu năng lượng nhằm phục vụ cho quá trình độ thị hoá, công nghiệp hoá với tốc độ gia tăng gần 10% mỗi năm. Song song với đó, các đô thị lớn cũng phải đối diện với tình trạng thiếu hụt năng lượng, việc sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng chưa hiệu quả và đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Đây cũng là thách thức lớn cần giải quyết để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 mà Việt Nam vừa công bố tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra tại Glasgow tháng 11 năm 2021.
Thực tế hiện nay, khoảng 80 - 90% các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượng vào khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình. Đây là một sự lãng phí rất lớn, gây ra áp lực cao với hệ thống cung cấp năng lượng. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn là một bài toán nan giải gây ô nhiễm gia tăng. Đa số phương tiện đều sử dụng xăng, dầu, thải ra môi trường một lượng lớn khí độc hại. Đồng thời, nhiều phương tiện hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí đô thị. Tại TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9/2020, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm tới gần 68% tổng lượng xe đang lưu hành.
Để đảm bảo một tương lai bền vững cho các đô thị Việt Nam, việc phát triển các giải pháp năng lượng đô thị "xanh" là rất quan trọng. Năng lượng tái tạo và các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả nếu được áp dụng rộng rãi sẽ có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cũng như môi trường trong lành và chất lượng cuộc sống được cải thiện cho người dân thành phố.
“Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo “Người kiến tạo năng lượng tương lai” sẽ hỗ trợ các đơn vị, tổ chức có ý tưởng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng phân tán tiên tiến. Đây là cơ sở để chúng tội phối hợp cùng chính quyền TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy lĩnh vực năng lượng sạch, thu hút đầu tư xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương. Nỗ lực này cũng góp phần hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam thành nước có mức phát thải răng bằng 0 vào năm 2050,”- Bà Christine Gandomi, Quyền Trưởng phòng Môi trường, Năng lượng và khí hậu, USAID cho biết.
Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo “Người kiến tạo năng lượng tương lai” hướng tới tài trợ cho hơn 20 dự án thí điểm và/hoặc trình diễn sản phẩm, mô hình kinh doanh hoặc mô hình tài chính mới cho hệ thống năng lượng đô thị phân tán, tiên tiến.
Các tổ chức đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức do phụ nữ lãnh đạo (bao gồm các tổ chức phi chính phủ, trường đại học, tổ chức tư nhân vì lợi nhuận, đơn vị cung cấp/phát triển công nghệ và cơ sở đào tạo trong nước và của Hoa Kỳ) có ý tưởng đột phá thuộc các lĩnh vực sau đây được khuyến khích đăng ký: Giao thông vận tải, Hiệu quả sử dụng điện tại các tòa nhà, Phát điện, Cung cấp và quản lý điện, Hiệu quả sử dụng nước.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 08/11/2021
07:03, 18/07/2021
11:48, 24/01/2021
11:00, 08/08/2019