Nhân kể về chuyến du lịch 3 ngày, 2 đêm trên vịnh Hạ Long 5 năm về trước, Nguyễn Đức Tuấn, một người bạn của tôi đến từ Hà Nội mở máy tính cho xem hàng trăm bức ảnh anh chụp.
Câu chuyện tại vịnh Hạ Long
Hạ Long với núi, nước, mây và những khoảnh khắc bình minh, chiều muộn và đêm. Quá đẹp. Nhưng quá nửa số ảnh anh chụp là những con người làng chài gặp trong chuyến đi.
Những cô gái chèo thuyền nan hay đang vá lưới, cụ già lim dim nằm võng, mấy đứa trẻ đang đùa cùng con chó bên mạn chiếc nhà bè, hai vợ chồng ngư dân đang thả lưới, thầy và trò lớp học làng chài, người đàn bà đang rắc thức ăn cho cá,...
Rất nhiều những bức cận cảnh: Khuôn mặt thiếu nữ với cặp mắt đen láy dưới vành nón, vẻ mặt ngơ ngác, mếu máo của đứa trẻ đang bíu áo chị, nụ cười rất tươi trên gương mặt đầy vết chân chim của người đàn ông bên con cá vừa câu được.
Tuấn nói, đã lang thang nhiều lần trên vịnh Hạ Long, nhưng lần đi này, với tôi có lẽ là thú vị hơn cả khi tôi được gặp những con người trên vịnh, được sống những khoảnh khắc cuộc đời với họ, được chụp ảnh về họ, những bức ảnh mà như bạn nói, mỗi lần bấm máy là một lần đầy cảm hứng.
Nghe Tuấn chia sẻ ấn tượng của mình về những nhân vật ở những nơi anh đến trong chuyến du lịch, tôi bỗng nhớ đến một ngư ông mà tôi đã gặp trên vịnh trong lần thăm Hạ Long cách đây hơn 8 năm. Lần ấy, khi nước thủy triều lên cao, con tàu chở chúng tôi thăm vịnh không đi qua được hang Luồn.
Muốn vào thăm hang, chúng tôi phải thuê một chiếc thuyền câu be bé. Ông cụ chở thuyền đúng vẻ một lão ngư với giọng nói to và nặng, một khuôn mặt sạm nắng gió với nhiều vết chân chim. Chúng tôi không khỏi ồ lên ngạc nhiên khi cụ cho biết đã 88 tuổi bởi cái sự rất nhanh nhẹn và rắn rỏi toát lên trong từng động tác chèo thuyền của cụ.
Cụ bảo nơi chôn rau cắt rốn của cụ là vịnh Hạ Long và cụ đã sống trên vịnh từ lúc sơ sinh cho đến tận bây giờ. Suốt hành trình thăm hang Luồn, cụ kể cho chúng tôi rất nhiều câu chuyện kỳ thú về vịnh Hạ Long. Như câu chuyện cách đây mấy chục năm, cái thời hang Luồn còn rất nhiều khỉ.
Người ta đánh thuyền vào hang Luồn chơi tổ tôm, xóc đĩa, bị đàn khỉ nhảy xuống cướp tiền xong leo phóc lên cành cây trên vách đá, giơ đồng tiền ra trêu chọc những người đàn ông đang tức tối chửi rủa. Hay câu chuyện về ngày xưa, thủa biển còn nhiều cá, người ta đã câu được những con cá khủng ở trong hang này.
Vô vàn câu chuyện của một người sinh ra và sống cả cuộc đời trên vịnh chân thật, mộc mạc, sinh động đã lôi cuốn, dẫn dụ chúng tôi, nó khiến chúng tôi nghĩ đến một vịnh biển với tầng sâu của sự kỳ thú, bí ẩn, sống động và phong phú, như thực như hư, hơn những gì đang trải trước mắt chúng tôi.
Lão ngư và câu chuyện của cụ đã trở thành một ấn tượng sâu đậm khiến chuyến đi của chúng tôi thêm phần thú vị và trở thành một kỷ niệm đẹp. Sau này, tôi đã có nhiều dịp đi thăm vịnh, có những cuộc thăm thú làng chài, đánh cá cùng ngư dân, nghe những câu chuyện, chụp những bức ảnh cùng với họ để rồi thấy tâm đắc với câu của một chuyên gia du lịch người Hà Lan: Những người dân chài cũng chính là linh hồn của di sản.
Giải pháp gìn giữ bản sắc vùng miền!
Thực ra, không chỉ là người dân làng chài, không chỉ là ở Hạ Long mà ở bất kỳ địa danh du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng nào, vai trò của người dân bản địa không phải là sự điểm xuyết mà họ và không gian cảnh sắc thiên nhiên nơi họ sống là những nhân vật chính làm nên sự lôi cuốn du khách. Bởi họ chính là những người sản xuất, lưu giữ phong tục, bản sắc, sự độc đáo, khác biệt, những chất liệu quý cho mỗi cuộc du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.
Có lẽ vì vậy mà Giám đốc công ty CP Du thuyền Đông Dương, Đoàn Văn Dũng khi bắt tay vào thực hiện các tua du lịch cộng đồng, luôn đặc biệt quan tâm đến cư dân sở tại. Anh đã thiết kế những hình thức trải nghiệm sao cho nhiều nhất có thể du khách được tiếp cận với người dân.
Khách đến thăm các gia đình, có thể ăn, ngủ tại đó, khách đến thăm làng nghề, xem cách người dân làm sản phẩm, nghe, xem họ biểu diễn văn nghệ, nghe họ kể chuyện, theo họ đi đánh cá, gặt lúa, chèo thuyền, thăm thú cảnh sắc.... mọi thứ trở nên sinh động, đầy cảm hứng và những cuộc chia tay với ấn tượng còn đọng mãi về những con người của một vùng danh thắng vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 28/06/2018
11:16, 30/06/2018
08:00, 18/07/2018
14:14, 25/07/2018
00:02, 08/09/2018
Nhưng trong chiến lược phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, BGĐ công ty CP Du thuyền Đông Dương cũng không đơn thuần hướng tới người dân sở tại với thói quen, phong tục, ngành nghề, nếp sinh hoạt của họ như một cách thu hút du khách mà còn hướng tới mục đích mang đầy tính nhân văn: Đó là việc làm, thu nhập, sự no ấm mang tính bền vững cho người dân, sự lưu giữ, bảo tồn, làm gia tăng giá trị những vốn liếng quý giá thuộc về con người của vùng đất ấy.
Trên thực tế, mỗi điểm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng do công ty tổ chức đã có hàng trăm người dân địa phương được thu hút vào làm du lịch bằng chính công việc, cuộc sống thường ngày của họ. Cái công việc thường ngày ấy khi được đưa vào sản phẩm du lịch đã gia tăng giá trị , thậm chí là nhiều lần và vì vậy, họ có thu nhập cao hơn, cuộc sống khấm khá hơn.
Trong những năm qua, người ta chứng kiến trào lưu phát triển các điểm du lịch. Có những cuộc di dân ồ ạt, có những vùng quê không còn hình dáng, để nhà hàng, biệt thự, khu vui chơi, nghỉ dưỡng mọc lên. Nghề cũ đã mất, đất canh tác không còn, con người những nơi ấy trở nên vô định và không nơi bấu víu ngay trên quê hương mình và những khoản lợi nhuận từ du lịch ngay tại nơi họ sống,họ không có phần.
Nhưng đó không phải là cách làm du lịch của công ty CP Du Thuyền Đông Dương. Với triết lý kinh doanh con người cũng chính là tài sản du lịch, không có người được, kẻ mất mà cả hai cùng thắng, tiềm năng, lợi thế phải cùng khai thác và thụ hưởng, phải cộng sinh để tồn tại và phát triển, công ty đã luôn thực hành hướng tới con người, những người dân sở tại với bản sắc riêng biệt của họ để phát triển du lịch và trao cái cần câu cơm này vào tay họ để có những mùa vàng du lịch thì cả hai: Công ty và người dân cùng thu hái, thay vì độc chiếm thụ hưởng một mình như cái cách ở đâu đó đã làm.
Cách làm du lịch này không chỉ phát triển được mọi tiềm năng của đất và người mà nó còn cho thấy sự văn minh và tính nhân văn. Trộm nghĩ nếu có nhiều công ty, tập đoàn du lịch đi theo hướng này, những dự án du lịch của họ sẽ nhận được nhiều hơn sự hoan nghênh từ cộng đồng, du lịch VN sẽ giàu thêm bản sắc và mang lại những lợi ích bền vững cho hiện tại cũng như tương lai.