Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Đây là đề xuất của đại diện Vinaconex tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu”…
>> Đấu thầu dự án giảm nghèo còn nhiều vướng mắc
Theo đó, sáng ngày 01/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Luật Đấu thầu 2023 đã có nhiều thay đổi quan trọng so với văn bản luật năm 2013.
Trong đó, Luật dành riêng một chương quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế như chủ động quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả; mô hình “máy đặt, máy mượn”; hình thức đấu thầu phù hợp với các trường hợp đặc biệt; cho phép mua sắm tập trung với thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít; cho phép mua sắm theo nước xuất xứ để mua thiết bị có chất lượng tốt. Đồng thời, có nhiều quy định cải cách, đơn giản hoá quy trình thủ tục đấu thầu, tăng tính chủ động của bên mời thầu và đẩy mạnh đấu thầu qua mạng.
Luật Đấu thầu 2023 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất nhằm xây dựng môi trường đấu thầu cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cả cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo ông Tuấn, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà thầu. Dự thảo được thiết kế với 126 điều với 144 trang, tương đối đồ sộ và kỹ thuật, và có thể có hơi khó đọc, nghiên cứu với một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là văn bản quy định chi tiết rất quan trọng, hướng dẫn nhiều nội dung lớn về lựa chọn nhà thầu, trong đó dự kiến sẽ bổ sung nhiều quy định mới để hướng dẫn các nội dung Luật Đầu thầu 2023.
Cụ thể, Luật quy định về đảm bảo cạnh tranh, chống “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu: các nhà thầu tham dự gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hoá, phi tư vấn, tư vấn, gói thầu chìa khoá trao tay phải độc lập; nhà thầu phụ, nhà thầu phụ đặc biệt phải độc lập; cách thức xác định; Ưu đãi nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, đổi mới sáng tạo và kinh tế xanh; quy định chi tiết về mua sắm trong lĩnh vực y tế như lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ kỹ thuật; chỉ định thầu rút gọn với mua thuốc
Quy định về thanh toán chi phí mua thuốc, hoá chất, vật tư, thiết bị y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân; đấu thầu qua mạng và liên thông kết nối đến các cơ sở dữ liệu khác. Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu uy tín nhà thầu; cơ sở dữ liệu đánh giá chất lượng hàng hoá; công khai thông tin thực hiện hợp đồng…
Các quy định mới trong Dự thảo này sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện các quy định mới của Luật Đấu thầu, trong đó có đấu thầu y tế, đấu thầu qua mạng và đảm bảo cạnh tranh và ưu đãi trong đấu thầu. Các quy định này cần được xây dựng hợp pháp, hợp lý thì doanh nghiệp mới dễ dàng tuân thủ và thực thi trong thực tế, từ đó góp phần quan trọng vào việc thực thi thành công Luật Đấu thầu 2023 như kỳ vọng.
“Chúng tôi rất mong hôm nay các doanh nghiệp, hiệp hội cho ý kiến về các nội dung trong Dự thảo Nghị định, để các quy định khi được ban hành ra thực sự mang hơi thở cuộc sống, hợp lý và có khả năng thực thi với doanh nghiệp. Đồng thời, mong ban soạn thảo sẽ lắng nghe, nghiên cứu và tiếp thu thực chất các góp ý từ doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia”, ông Tuấn chia sẻ.
Thông tin về các điểm mới của Dự thảo, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nội dung Dự thảo đã đưa ra các quy định về quản lý chất lượng nhà thầu, chất lượng hàng hóa dịch vụ; công khai thông tin để đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong đấu thầu; những tiêu chí đánh giá uy tín nhà thầu để từ đó tăng trách nhiệm nhà thầu cũng như chất lượng thực hiện các dự án,...
Trong lựa chọn nhà thầu, Dự thảo cũng đã bổ sung các quy định về ưu đãi như: đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, với nhà sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trên cơ sở sáng chế hoặc kết hợp một phần chuyển giao công nghệ, ưu đãi đối với đấu thầu trong nước, với những sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn sinh thái, năng lượng và tương đương...
“Đáng nói, Dự thảo cũng bỏ một số bước trong quy trình mua sắm; không cần phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu, danh sách đạt kỹ thuật đối với 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ, hay không cần thương thảo hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể cùng nhiều vấn đề khác,…”, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu chia sẻ.
Tham gia góp ý tại Hội thảo, đại diện Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề xuất, để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, tránh trường hợp nhà thầu thông đồng với chủ đầu tư, đưa thầu phụ là các công ty có quan hệ phụ thuộc với chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn lập dự toán để tiếp cận sớm nguồn thông tin, tạo ưu thế trong đấu thầu. Nhà thầu phụ đặc biệt khi tham dự thầu phải đáp ứng quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, trừ trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ các nội dung ưu đãi nhà thầu, các thủ tục hành chính cần thiết để nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi sẽ thực hiện cũng như phải biết làm gì để hưởng các ưu đãi này trong quá trình tham gia đấu thầu.
Cùng với các nội dung liên quan đến đấu thầu xây dựng, Hội thảo, các đại biểu đại diện cho lĩnh vực y tế cũng tham gia góp ý về hàng loạt các nội dung liên quan. Trong đó, theo BS Nguyễn Thị Lương Phong - Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam, nên để cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua thuốc theo tên thương mại khác với tên thương mại đã trúng thầu do quỹ bảo hiểm chi trả tại chính cơ sở đó, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không bắt buộc phải áp dụng Luật Đấu thầu.
Ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng mong rằng, trong quá trình hoàn thiện Dự thảo sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp thực tế từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia.
Được biết, ngoài buổi góp ý đã nêu, ngày 02/11, Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu” sẽ tiếp tục được VCCI – Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Na Uy tổ chức tại Nhà khách Quốc hội, Số 165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Có thể bạn quan tâm
Đấu thầu dự án giảm nghèo còn nhiều vướng mắc
15:55, 23/08/2023
Lâm Đồng chấn chỉnh công tác đấu thầu
00:03, 12/08/2023
“Nỗi sợ kéo dài” trong đấu thầu trang thiết bị y tế đã chấm dứt?
03:00, 08/07/2023
Luật Đấu thầu (sửa đổi): Hóa giải tâm lý sợ sai trong mua sắm lĩnh vực y tế
04:00, 30/06/2023
Quảng Nam: Đấu thầu chọn chủ đầu tư nếu thu hồi dự án của Bách Đạt An
01:00, 29/06/2023