Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) đang hưởng lợi từ kênh ETC, khi bảo hiểm y tế ưu tiên các dòng thuốc nội chất lượng cao. Tuy nhiên, IMP dễ vượt qua những thách thức mới từ EVFTA?
Báo cáo tháng 7 năm 2020 của IMP cho thấy, tổng doanh thu và lợi nhuận đạt 82,8 tỷ đồng, giảm nhẹ 300 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, thu nhập khác không đáng kể so với con số của tháng 7/2019.
Tổng doanh thu và lợi nhuận lũy kế 7 tháng đầu năm 2020 của IMP đạt 680,1 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ và đạt 38,9% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu thuần đạt 674,7 tỷ đồng, tăng 5,8%. Kênh ETC (phân phối thuốc qua bệnh viện) vẫn tăng trưởng khả quan ở mức gần 70% so với cùng kỳ 2019 và chiếm khoảng 39% trong cơ cấu tổng doanh thu.
Theo lý giải của lãnh đạo IMP, tốc độ tăng trưởng doanh thu có dấu hiệu chậm lại, bởi ngành dược đã bắt đầu chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh gây ra. Một số chỉ tiêu khác như giá vốn hàng bán tăng 3,9%, thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu thuần, chi phí bán hàng giảm 10,9%, chi phí quản lý tăng nhẹ 0,7%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, IMP vẫn là một điểm sáng trong các doanh nghiệp ngành dược đang niêm yết trên sàn chứng khoán khi liên tục duy trì lợi nhuận hàng năm từ 15 – 20%. IMP cũng như nhiều doanh nghiệp ngành dược khác đang hưởng lợi song song từ hai yếu tố là bảo hiểm y tế ưu tiên các dòng thuốc nội địa có chất lượng tốt và ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến nguồn cung thuốc nhập khẩu bị ngắt quãng, đồng thời gây ra tâm lý đầu cơ thuốc trong nước.
Ngoài ra, với dự kiến 2 nhà máy dược công nghệ cao mới ở Vĩnh Lộc (IMP2) và Bình Dương (IMP4) sẽ được vận hành thương mại vào quý IV/2020, nâng tổng số 4 nhà máy thuốc chất lượng EU-GMP với khả năng sản xuất thuốc chất lượng cao sẽ giúp IMP cạnh tranh đấu thầu nhóm 1 & 2 kênh ETC.
Với việc hoàn thành 2 nhà máy này, IMP ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ cao, giá cao trong cơ cấu hàng hóa. Vì vậy, IMP đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 từ nhà máy IMP2 tăng trưởng hơn 300%, trong khi doanh thu từ nhà máy IMP3 tăng 70%. Trong khi đó, nhà máy IMP4 có thể tạo doanh thu gần 100 tỷ đồng cho IMP trong quý IV/2020. Các loại kháng sinh được sản xuất từ nhà máy IMP2 và thuốc từ IMP3 có thể sẽ được đấu thầu nhiều hơn.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên việc các dòng thuốc nhập khẩu gặp khó khăn hơn so với các dòng thuốc nội địa trong việc cạnh tranh đấu thầu vào kênh ETC, vốn là kênh có biên lợi nhuận cao hơn từ 5-10% so với kênh bán lẻ thuốc (OTC). Bên cạnh đó, việc mở rộng danh mục trúng thầu kênh ETC của Quỹ thanh toán bảo hiểm y tế đã giúp IMP trúng thầu kênh ETC rất cao.
Theo EVFTA, thuế quan sẽ được loại bỏ ngay khi có hiệu lực đối với toàn bộ các sản phẩm dược phẩm (Chương 30, 38 của Biểu cam kết thuế của EU), cũng như tất cả các sản phẩm từ động vật, nhuyễn thể, thực vật được sử dụng để bào chế, sản xuất dược phẩm, các loại hóa chất, dụng cụ sử dụng cho dược phẩm (Chương 02, 05, 12, 19, 48, 70 của Biểu cam kết thuế của EU).
Lợi thế nhiều nhưng IMP cũng như nhiều doanh nghiệp ngành dược Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ từ đại dịch COVID-19. Bởi lẽ, COVID-19 có thể tác động tiêu cực đến việc cung cấp nguyên liệu cho IMP nói riêng và ngành dược nói chung, do phần lớn tá dược có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực với những cam kết về thuế quan đối với ngành dược có thể không tạo ra thay đổi lớn trong tương lai gần đối với việc xuất, nhập khẩu dược phẩm giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, các cam kết ở các khía cạnh khác có thể sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và doanh nghiệp dược của Việt Nam theo hướng dược phẩm từ EU vào Việt Nam sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.
Cụ thể, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu sẽ về 0% đối với khoảng 50% sản phẩm dược phẩm từ EU vào Việt Nam và một số dược phẩm khác sẽ được giảm dần từ 3- 7 năm. Khi đó, người tiêu dùng Việt sẽ có cơ hội tiếp cận với những dòng thuốc chất lượng tốt từ EU với giá thành thấp hơn.
Việt Nam cam kết sẽ loại bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với khoảng 71% các sản phẩm dược phẩm, dược liệu (phần lớn các dòng sản phẩm này hiện có mức thuế MFN thông thường mà Việt Nam đang áp dụng đã là 0%). Loại bỏ thuế quan dần trong vòng 5-7 năm (cá biệt có trường hợp 10 năm) kể từ khi EVFTA có hiệu lực đối với các dược phẩm, dược liệu còn lại (các dòng sản phẩm này hiện đang có mức thuế MFN thông thường dao động trong khoảng 5-8%).
Ngoài ra, mức độ bảo hộ về sở hữu trí tuệ sẽ được tăng cường, khiến một số loại dược phẩm có thể chậm được giảm giá hơn, cạnh tranh gay gắt hơn trong các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với IMP cũng như các doanh nghiệp ngành dược khác, đặc biệt là đối với các sản phẩm biệt dược và thuốc chuyên dụng
Có thể bạn quan tâm