Cả thế giới đang lo ngại động thái chính sách cứng rắn hơn của FED có thể sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.
Dù FED duy trì lãi suất cao trong thời gian dài vừa qua, nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ. Thị trường chứng khoán, mặc dù đã có một số biến động gần đây, vẫn tăng điểm tích cực.
>>FED khó giảm lãi suất, kinh tế thế giới "hứng đòn"
Ông Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại LPL Financial, cho biết “Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có gặp vấn đề nếu FED lãi suất duy trì ở mức cao lâu hơn không?”
Krosby cho biết một số câu trả lời sẽ sớm xuất hiện khi các công ty công bố kết quả kinh doanh trong thời gian tới. Ngoài những thông tin chi tiết quan trọng như doanh thu và lợi nhuận, các nhà kinh tế có thể biết được tác động của lãi suất đối với tỷ suất lợi nhuận và hành vi của người tiêu dùng.
Những tuyên bố gần đây của Chủ tịch FED Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác đã củng cố quan điểm rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không diễn ra trong vài tháng tới. Thậm chí, có ý kiến rằng FED có khả năng tăng thêm một hoặc hai đợt tăng lãi suất sắp tới nếu lạm phát tăng mạnh trở lại.
Nhưng trước triển vọng lãi suất vẫn ở mức cao, thị trường tài chính Mỹ gần như vẫn đứng vững, bất chấp đợt sụt giảm 5,5% gần đây đối với S&P 500. Chỉ số vốn hóa lớn vẫn tăng 6,3% từ đầu năm đến nay và cao hơn 23% so với mức thấp cuối tháng 10 năm 2023.
Các nhà kinh tế Mỹ cũng chỉ ra, trong lịch sử cũng có rất ít tiền lệ về việc FED cắt giảm lãi suất trong những giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ như hiện tại. Lãi suất cao hơn nói chung đều được xem là tín hiệu tốt cho nền kinh tế Mỹ miễn là có sự tăng trưởng. Chỉ có giai đoạn những năm 1980 khi Chủ tịch FED bấy giờ là Paul Volcker kiềm chế lạm phát bằng những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ cuối cùng đã đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Với những dấu hiệu tích cực hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo GDP Mỹ trong quý 1/2024 dự kiến sẽ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
>>Kỳ vọng hạ lãi suất của Fed ngày càng giảm đáng kể
David Kelly, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, dự báo FED có thể sẽ cắt giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong năm nay và năm tới, đưa lãi suất liên bang xuống mức 3,75% - 4%.
Ông này ủng hộ quan điểm rằng nền kinh tế có thể chịu được mức lãi suất cao hơn trong dài hạn. Kelly cho rằng kỳ vọng hiện tại của FED về lãi suất “trung lập” ở mức 2,6% là “không thực tế” - một ý tưởng đang thu hút sự chú ý ở Phố Wall.
Goldman Sachs gần đây đã cho rằng lãi suất trung lập – tức không mang tính kích thích hay kiềm chế - có thể ở mức 3,5%. Chủ tịch FED Cleveland, Loretta Mester, gần đây cũng cho biết có khả năng lãi suất trung lập dài hạn sẽ cao hơn.
Điều đó để lại kỳ vọng rằng chính sách của FED sẽ nghiêng về việc cắt giảm lãi suất phần nào nhưng sẽ không quay trở lại mức lãi suất gần bằng 0 vốn phổ biến trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Trên thực tế, lãi suất liên bang tính từ năm 1954 đã đạt trung bình 4,6%, ngay cả khi lãi suất gần bằng 0 kéo dài suốt 7 năm sau cuộc khủng hoảng năm 2008 cho đến năm 2015.
Tuy nhiên, việc FED duy trì chính sách “diều hâu” dài hơn đã bắt đầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ngay cả khi doanh số bán hàng vẫn ổn định. Theo dữ liệu của FED, tỷ lệ nợ quá hạn của thẻ tín dụng đã tăng lên 3,1% vào cuối năm 2023, mức cao nhất trong 12 năm.
Troy Ludtka, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại SMBC Nikko Securities America, cho biết, lãi suất cao hơn có thể dẫn đến sự suy giảm tiêu dùng và cuối cùng là "hiệu ứng vách đá" khiến Fed phải thừa nhận và hạ lãi suất.
“Tôi không nghĩ họ sẽ cắt giảm trong ngắn hạn trước mắt. Nhưng đến một lúc nào đó điều đó sẽ phải xảy ra, bởi vì mức lãi suất này đơn giản đang đè bẹp những người Mỹ có thu nhập thấp,” ông Troy Ludtka nói.
Ở ngoài biên giới Mỹ, triển vọng về việc Fed tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất hoặc thậm chí tăng lãi suất đã gây áp lực lên các nền kinh tế châu Á, khiến nhiều đồng tiền trong khu vực giảm giá so với đô la Mỹ. Đồng tiền của Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam đã chứng kiến sự mất giá đáng kể.
Mặc dù một số ngân hàng trung ương trong khu vực đã cố gắng chuẩn bị và có biện pháp để ổn định đồng tiền của họ, nhưng động thái này cộng với sự bất ổn địa chính trị nhiều nơi khác thực sự đang khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là nhóm đang phát triển, gặp khó khăn hơn trong việc quản lý thách thức này.
Có thể bạn quan tâm