Fed lại xoa dịu nỗi lo lạm phát

NGUYỄN LONG 27/05/2021 05:40

Lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ biến động trái chiều hôm 26/5, khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trình bày lại quan điểm ôn hòa của họ về nới lỏng chính sách tiền tệ.

Fed đang xoa dịu dữ luận bằng hàng loạt phát ngôn về ổn định chính sách trước nguy cơ lạm phát tăng cao.

Fed đang xoa dịu dư luận bằng hàng loạt phát ngôn về ổn định chính sách trước nguy cơ lạm phát tăng cao.

Xoa dịu dư luận

Thị trường tài chính đã có phản ứng nhanh khi  Fed nỗ lực xoa dịu nỗi lo lạm phát. Ngay lập tức, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ đã có những biến động trái chiều. Theo đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã dập dình tăng nhẹ lên 1,567% vào lúc 4:20 sáng theo giờ ET. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm giảm xuống còn 2,256%.

Thông điệp "lãi suất" ôn hòa đã được Fed củng cố và tung ra trình bày lại kỳ này khá có hệ thống, kiên trì và xuyên suốt.

Trước đó, Chủ tịch Fed tại San Francisco Mary Daly cho biết, mặc dù nền kinh tế đã có sự cải thiện, tuy nhiên, vẫn chưa đến lúc phải thay đổi chính sách.

Phát biểu về triển vọng kinh tế tại Trung tâm Hutchins về Sự kiện Chính sách Tài khóa và Tiền tệ, Phó Chủ tịch Giám sát của Fed ông Randal Quarles thì cho biết, các ngân hàng được vốn hóa tốt hơn so với một năm trước và có thêm 100 tỷ USD dự phòng rủi ro cho vay. Ông cho rằng rủi ro ổn định tài chính là vừa phải.

Quarles lặp lại lập trường của Fed rằng họ sẽ đợi cho đến khi thấy dữ liệu thực tế cho thấy sự tiến bộ trong việc đạt được các mục tiêu trước khi điều chỉnh chính sách.

Nói cách khác, Fed sẽ vẫn kiên nhẫn và cần phải chứng kiến nhiều tháng cải thiện việc làm trước khi nghĩ đến việc tăng lãi suất hoặc cắt giảm mua tài sản. Báo cáo công việc hàng tháng tiếp theo được công bố vào ngày 4/6 tới đây.

Đủ khả năng kiềm chế lạm phát

Trả lời Yahoo Finance, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida khá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế. Ông nói, "Triển vọng của tôi là sẽ dự báo ở đâu đó khoảng 6% trong năm nay, có thể là 7%. Nếu chúng ta tính được con số đó trong GDP, thì đó sẽ là bốn quý tăng trưởng nhanh nhất trong 35 năm".

Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida

Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida

Về thị trường lao động, ông cho rằng báo cáo việc làm gần đây nhất thực sự nhấn mạnh về sự không chắc chắn trong ngắn hạn về thị trường lao động. Hiện tại còn thiếu khoảng 8 triệu việc làm so với 15 tháng trước và có thể mất nhiều thời gian hơn để mở cửa lại nền kinh tế trị giá 20 nghìn tỷ USD so với thời gian “đóng cửa”.

“Với tốc độ hiện tại có thêm nửa triệu việc làm mỗi tháng, phải đến tháng 8 năm 2022 mới có thể giải quyết 8 triệu việc làm đó” – Richard Clarida cho biết.

Về triển vọng lạm phát, Phó Chủ tịch Fed thừa nhận con số CPI nhận được là một bất ngờ: “Chúng tôi và các nhà dự báo khác đã dự đoán cả lạm phát của chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên khi mở cửa trở lại nhưng mức tăng đó chắc chắn đã thu hút sự chú ý của tôi và những người khác. Tôi vẫn cho rằng đây chỉ là mức tăng tạm thời”.

Fed sẽ xem xét dữ liệu một các chặt chẽ trong những tháng tới, nếu trong trường hợp rủi ro, áp lực gia tăng đối với lạm phát được chứng minh là dài hơi hơn và để gây áp lực tăng lên đối với kỳ vọng lạm phát, “Chúng tôi có các công cụ và tôi tin rằng chúng tôi sẽ hành động để chống lại và đưa lạm phát xuống mức dài hạn của chúng tôi với mục tiêu 2%”, Phó Chủ tịch Fed nhấn mạnh.

Trong một phát biểu hôm thứ Ba, vị Phó Chủ tịch này cũng đã khẳng định rằng Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có thể kiềm chế sự bùng phát của lạm phát và thiết kế một "hạ cánh mềm" mà không làm cho sự phục hồi kinh tế của đất nước đi chệch hướng. Các bình luận của Clarida được xem như sự lặp lại điệp khúc được khởi xướng bởi Fed. Một tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết "vẫn chưa đến lúc" để xem xét thảo luận về việc cắt giảm chính sách. Nhưng gần đây các nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng họ đang tiến gần đến việc tranh luận khi nào nên rút lại một số hỗ trợ khủng hoảng cho nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, Cole Smead, Chủ tịch và Giám đốc danh mục đầu tư tại Smead Capital, trao đổi với CNBC rằng giá nhà là chìa khóa để đánh giá lạm phát, vì trước đây chúng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng.

Chỉ số giá nhà quốc gia S&P CoreLogic Case-Shiller của tháng 3, được công bố hôm 25/6, cho thấy giá nhà đã tăng 13,2% so với tháng 3 năm 2020. Smead lập luận rằng giá nhà ở đưa ra một “chỉ báo tốt hơn về các yếu tố đầu vào và chi phí lao động tăng lên”.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang, bao gồm Thống đốc Lael Brainard và Chủ tịch Ngân hàng trung ương Atlanta Raphael Bostic, gần đây đã đưa ra bình luận về việc giảm lạm phát gia tăng và lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chủ tịch Fed ở thành phố Kansas, Esther George cũng cho biết, điều quan trọng là không nên tuân theo một “công thức cứng nhắc về phản ứng chính sách” khi bức tranh kinh tế thay đổi, theo báo cáo của Reuters.

Các nhà phân tích tại BoFA Global Research lại viết: “Chúng tôi lo ngại về kịch bản nước Mỹ phát triển quá nóng, có thể dẫn đến lạm phát cao hơn mức mà Fed có thể chịu đựng được”.

BoFA Global Research cũng nhận định rằng, việc cổ phiếu giảm giá cũng có thể nâng đồng USD, một điểm đến phổ biến trong thời kỳ thị trường hỗn loạn. Paresh Upadhyaya, Giám đốc chiến lược tiền tệ và quản lý danh mục đầu tư của Amundi Pioneer Asset Management cho rằng, những rủi ro như vậy có thể khiến một số nhà đầu tư không đặt cược vào sự suy yếu thêm của đồng USD.

Có thể bạn quan tâm

  • Sức ép tăng tỷ giá khi FED rút nới lỏng định lượng

    Sức ép tăng tỷ giá khi FED rút nới lỏng định lượng

    16:20, 24/04/2021

  • Chủ tịch Fed: Mỹ không cần phải đi đầu với tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương

    Chủ tịch Fed: Mỹ không cần phải đi đầu với tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương

    14:00, 24/03/2021

  • Lãi suất của FED: CPI hay yếu tố nào quyết định?

    Lãi suất của FED: CPI hay yếu tố nào quyết định?

    07:32, 21/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Fed lại xoa dịu nỗi lo lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO