Các công ty công nghệ tài chính (Fintech) đã tăng chóng mặt từ 40 lên 150 doanh nghiệp trong vòng 4 năm qua, nhưng con số đó vẫn là khiêm tốn.
Trong các Fintech, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đến thời điểm 14/11/2019 theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện cả nước có 32 đơn vị, trong đó riêng tại TP.HCM có 10 đơn vị.
Ðặc điểm chung của các trung gian thanh toán này là phát triển rất mạnh, có sự hợp tác, kết nối thanh toán rộng khắp.
Chẳng hạn, CTCP Dịch vụ di động trực tuyến ký kết hợp tác với 16 ngân hàng, 474 đơn vị chấp nhận thanh toán; CTCP Dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt ký kết hợp tác với 14 ngân hàng, 211 đơn vị chấp nhận thanh toán…, điều này góp phần thay đổi mạnh mẽ trong ý thức, hành vi tiêu dùng và sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, sự xuất hiện của Fintech và các công nghệ mới đang mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho những đối tượng chưa có hoặc ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đồng thời tăng cường tính hiệu quả và an ninh tài chính tại một thị trường đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý với 32 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đó là phần lớn cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ chi hộ, chuyển tiền điện tử…trên cơ sở chủ yếu là hợp tác với các ngân hàng để kết nối tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng với dịch vụ của mình cung cấp.
Ngược lại, về phía ngân hàng, ngoài hợp tác với trung gian thanh toán, các ngân hàng đang đầu tư mạnh mẽ cho các ứng dụng không dùng tiền mặt của mình.
Hiện 24 ngân hàng đang cung cấp dịch vụ thanh toán QR Code với 50.000 điểm chấp nhận thanh toán…
Ðánh giá về sự liên kết này, theo ông Nguyễn Văn Nguyện, đại diện NHNN - Chi nhánh TP.HCM, xu hướng phát triển hợp tác và cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán của các ngân hàng ngày càng trở nên mạnh mẽ và gay gắt.
Lựa chọn hướng đi phù hợp là yêu cầu đặt ra với mỗi ngân hàng nếu không muốn bị tụt hậu và mất thị phần, nhất là mất khách hàng vào tay các đối thủ nhưng cũng là đối tác, bao gồm các công ty Fintech, các công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Về phần mình, ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch HÐQT CTCP Công nghệ và dịch vụ Moca lại cho rằng, hợp tác với ngân hàng trong cung cấp dịch vụ thanh toán cho người dân chỉ là một phần câu chuyện với các Fintech.
Rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá như cho vay ngang hàng, cho vay tới những người không có tài khoản ngân hàng hàng, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay đối với Fintech là về khung pháp lý chưa được hoàn thiện, nên nhiều dịch vụ chưa được triển khai.
Theo ông Neil Van Heerden, Giám đốc Kinh doanh thương mại và quốc tế của TrueMoney cho biết, Fintech đã thành công ở nhiều thị trường trên thế giới, cũng như trong khu vực. Do vậy, cần thiết phải sớm có khung pháp lý đầy đủ hơn cho Fintech.
“Chúng ta đang hướng đến một xã hội phi tiền mặt thì không lý do gì không phát triển Fintech”, ông Neil Van Heerden nhấn mạnh.
Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra đánh giá, Fintech ở Việt Nam có sự bùng nổ trong 5 năm qua.
Tính riêng ví điện tử có sự tăng trưởng vượt bậc, số lượng ví liên kết dự kiến đạt 10 triệu trong năm 2020 và theo TS. Lực, cột mốc này còn có thể bị phá vỡ ngay cuối năm nay.
Hiện Top 4 ví điện tử Momo, Viettel Pay, Zalo Pay và Airpay chiếm 94% thị phần. Toàn bộ ví điện tử cần liên kết với thẻ, tài khoản ngân hàng theo Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
Nhưng chưa hết, sự phát triển của các dạng ví điện tử còn có thể có những biến động mạnh khác khi một loại hình mới là Mobile Money gắn trực tiếp với tài khoản viễn thông.
Theo TS. Lực, các doanh nghiệp Fintech và các nhà nghiên cứu lĩnh vực này hiện khá đồng nhất về nhận định, Việt Nam có đủ cơ sở duy trì sự tăng trưởng rất cao với ngành Fintech trong thời gian tới, vấn đề là khung pháp lý cần sớm ban hành để tận dụng cơ hội thị trường, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy nhanh thêm các dịch vụ tài chính số khác.