Với việc sở hữu hơn 34,6 triệu cổ phần Vina Securities, tương ứng 96,62% vốn điều lệ, Finhay trở thành fintech đầu tiên tại Việt Nam sở hữu riêng một công ty chứng khoán để phát triển mảng đầu tư.
>>>Startup Finhay huy động thành công 25 triệu USD
Theo đó, Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam đã sở hữu hơn 34,6 triệu cổ phần của Công ty CP Chứng khoán Vina (Vina Securities), tương ứng 96,62% vốn điều lệ. Ông Nghiêm Xuân Huy, nhà sáng lập kiêm CEO Finhay nắm 136.800 cổ phần, tương ứng 0,38% vốn. Bà Vũ Thanh Vân, COO Finhay nắm hơn 1 triệu cổ phần, tương ứng 3% vốn. Số cổ phần này được Finhay, ông Huy và bà Vân mua lại hồi cuối năm ngoái từ nhóm cổ đông Hàn Quốc của Vina Securities.
Trước đó, ông Huy đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vina Securities thay thế ông Na Sungsoo, không lâu sau khi nhóm cổ đông liên quan Finhay mua lại vốn từ các nhà đầu tư Hàn Quốc tại công ty chứng khoán này.
Vina Securties được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 273,5 tỷ đồng. Năm 2010 tại Vina Securties có sự xuất hiện của cổ đông lớn VinaCapital, một định chế tài chính chuyên nghiệp. Sự tham gia của “tay chơi” có nghề như VinaCapital được kỳ vọng hoạt động của Công ty sẽ khởi sắc, nhưng thực tế không như vậy. Kinh doanh vẫn thua lỗ, liên tục “ăn” vào vốn chủ sở hữu khiến Vina Securties không đảm bảo an toàn tài chính. Hệ quả là vào tháng 4/2012, Vina Securties đã bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Không lâu sau đó, VinaCapital đã phải thoái vốn khỏi Vina Securties.
Vào tháng 10/2012, tuy Vina Securties được đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt, nhưng thời gian sau đó tình trạng kinh doanh không hiệu quả vẫn tiếp diễn. Mặc dù năm 2019, quá trình đổi chủ đã diễn ra ở Vina Securties với việc 100% vốn của Công ty được chuyển nhượng cho nhà đầu tư Hàn Quốc, nhưng tình trạng kinh doanh thua lỗ vẫn tiếp diễn bất chấp cổ đông ngoại thực hiện bước đi mạo hiểm là thành lập văn phòng đại diện Vina Securities tại Seoul, Hàn Quốc.
Sau nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả, tính đến cuối năm ngoái, Vina Securities ghi nhận khoản lỗ luỹ kế lên tới 263,1 tỷ đồng, "ăn mòn" gần hết vốn đầu tư của chủ sở hữu. Với kết quả này, Vina Securties tiếp tục bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 23/4 – 22/8/2021, tiếp đến là đình chỉ hoạt động từ ngày 17/9/2021 – 16/3/2022.
Vào tháng 1/2022, Vina Securities đã hoàn tất đợt phát hành thêm 8,5 triệu cổ phiếu cho Finhay, qua đó, nâng quy mô vốn điều lệ lên 358,59 tỷ đồng. Thương vụ tăng vốn điều lệ này được thực hiện gấp rút, phần nào sẽ giúp Vina Securities lên kế hoạch bảo đảm tỷ lệ an toàn tài chính để đi vào hoạt động bình thường.
Sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Vina Securities, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 2 vừa qua, ban lãnh đạo Vina Securities gồm các cổ đông liên quan đến Finhay đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu gần 87 tỷ đồng và lãi sau thuế 60 tỷ.
Về phía Finhay, đây là fintech nổi tiếng tại Việt Nam chuyên về hoạt động quản lý tài chính cá nhân thông qua ứng dụng đầu tư tích lũy cùng tên. Fintech này từng nhận được đầu tư của nhiều quỹ trong và ngoài nước, như H2 Australia, Insignia Ventures Partner, Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVSC) và ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE. Tính đến cuối tháng 3, Chứng khoán Thiên Việt ghi nhận khoản đầu tư vào Finhay có trị giá gần 62,5 tỷ đồng.
Đến đầu tháng 5 năm nay, Finhay có vốn điều lệ 133,5 tỷ đồng, trong đó, cổ đông lớn nhất là quỹ Finhay Pty Ltd (trụ sở tại Australia) với tỷ lệ sở hữu 44,1%. Ngoài ra, cơ cấu cổ đông của Finhay còn có sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài Valence Private Investments với tỷ lệ sở hữu 3,3%.
Việc mua lại Vina Securities sẽ góp phần giúp Finhay hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Sau 5 năm ra mắt, Finhay sở hữu hệ sinh thái sản phẩm đầu tư tài chính với hơn 2 triệu người dùng. Với sản phẩm chứng khoán hợp tác cùng Chứng khoán Thiên Việt, Finhay đang cho phép người dùng đầu tư chứng khoán với số vốn nhỏ, chỉ từ 10.000 đồng hay giao dịch lô lẻ...
Có thể bạn quan tâm