Hãng xếp hạng Fitch Ratings quyết định nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam lên BB+ với triển vọng ổn định.
>>>Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, trái phiếu doanh nghiệp hưởng lợi
Theo thông báo của Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, bậc tín nhiệm của Việt Nam được nâng từ BB lên BB+ đối với xếp hạng nhà phát hành nợ ngoại tệ dài hạn, nhà phát hành nợ nội tệ dài hạn và trần tín nhiệm quốc gia.
Fitch Ratings thông tin, việc nâng bậc tín nhiệm thể hiện triển vọng tăng trưởng trung hạn thuận lợi của Việt Nam và triển vọng này được củng cố thêm bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) mạnh mẽ.
Hãng xếp hạng này cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận dòng vốn FDI và từ đó sẽ giúp cải thiện về các chỉ tiêu tín dụng mang tính cơ cấu. Trong tháng 9/2023, Việt Nam và Mỹ cũng vừa nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, điều này có thể thúc đẩy hoạt động thương mại và dòng vốn FDI từ Mỹ.
Trong ngắn hạn, Fitch Ratings dự đoán có một số yếu tố kìm hãm do môi trường bên ngoài yếu hơn, và sự ảnh hưởng lan tỏa đến nhu cầu trong nước từ những căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản.
Fitch Ratings dự báo tăng trưởng trung hạn tại Việt Nam đạt khoảng 7%. Lợi thế về chi phí, lực lượng lao động dồi dào cùng số lượng các FTA phong phú sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng được cải thiện, đạt 89 tỷ USD vào cuối tháng 9/2023 sau khi giảm mạnh vào 2022. Điều này phần nào phản ánh sự quay lại của dòng vốn cũng như thặng dư thương mại lớn hơn. Fitch Ratings dự báo lượng dự trữ sẽ được cải thiện hơn trong giai đoạn 2024-2025. Cấu trúc nợ nước ngoài của Việt Nam cũng thuận lợi bởi phần lớn nợ từ các bên song phương hoặc đa phương. Điều này dẫn đến gánh nặng trả nợ nước ngoài thấp hơn.
“Chúng tôi ngày càng tin rằng triển vọng vĩ mô trung hạn của Việt Nam khó có thể bị ảnh hưởng bởi những cơn gió ngược ngắn hạn từ lĩnh vực bất động sản và sự suy yếu của nhu cầu quốc tế. Bên cạnh đó, các hỗ trợ về chính sách đủ để kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn”, theo thông báo của Fitch Ratings.
Tổ chức này cũng dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2024. Nguyên nhân là một số căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ kéo dài. Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm 150 điểm cơ bản lãi suất tái cấp vốn trong năm 2023 sau khi tăng 200 điểm cơ bản vào năm 2022, nhằm hỗ trợ tăng trưởng và giảm bớt căng thẳng trên thị trường tín dụng do lĩnh vực bất động sản gây ra.
Lạm phát được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024 và duy trì trong phạm vi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, sau khi giảm xuống mức trung bình 3,2% trong năm 2023.
Theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng dự kiến giảm xuống 4,8% vào năm 2023, từ 8% vào năm 2022. Tuy nhiên, sang năm 2024 tăng trưởng dự kiến tăng lên 6,3%, và đến năm 2025 là 6,5%.
Quyết định nâng bậc tín nhiệm Việt Nam của Fitch Ratings có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia. Với trần tín nhiệm quốc gia được nâng lên, cơ hội nâng bậc tín nhiệm của doanh nghiệp sẽ được nới thêm và chi phí đi vay nước ngoài của doanh nghiệp trong nước, cũng sẽ giảm xuống.
Có thể bạn quan tâm
Tài chính doanh nghiệp trong bối cảnh mới (kỳ 2): Tín nhiệm và thu hút đầu tư
05:00, 16/11/2023
FiinRatings: Xếp hạng Tín nhiệm dài hạn Techcombank ở mức điểm “A+”, với triển vọng “Ổn định”.
11:16, 08/11/2023
Nước rút xếp hạng tín nhiệm: Hỗ trợ thúc đẩy tín dụng, cho vay
04:01, 30/10/2023
Nước rút xếp hạng tín nhiệm: Vì sao doanh nghiệp thờ ơ?
11:30, 28/10/2023