Verizon, The North Face, Ben & Jerry’s nằm trong số những thương hiệu lớn tuyên bố dừng quảng cáo trên Facebook để phản đối chính sách của mạng xã hội này.
Từ cuối tháng 5, Twitter liên tục gắn cảnh báo "thông tin cần kiểm chứng" trong thông điệp liên quan tới bầu cử hay "kích động bạo lực" trong bài viết về người biểu tình của Donald Trump. Ngược lại, Mark Zuckerberg, CEO Facebook, tuyên bố không can thiệp và khẳng định mạng xã hội không nên làm trọng tài phân biệt đúng sai đối với các nội dung về chính trị.
Hành động của Zuckerberg tạo nên làn sóng phản đối cả ở bên trong lẫn bên ngoài Facebook. Các tổ chức và nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới chỉ trích Facebook dung túng cho thông tin sai lệch và yêu cầu mạng xã hội này phải thay đổi chính sách.
Chiến dịch #StopHateForProfit (Dừng kiếm lời từ sự thù địch) kêu gọi các doanh nghiệp tẩy chay Facebook bằng cách rút quảng cáo trên mạng xã hội này trong tháng 7.
Chiến dịch do các tổ chức Color of Change, ADL (Liên đoàn chống phỉ báng) và NAACP (Hiệp hội về Sự tiến bộ của người da màu) khởi xướng từ ngày 17/6 với mong muốn Facebook xây dựng một nền tảng an toàn hơn, đưa ra chính sách quyết liệt hơn để ngăn kẻ xấu phát tán thông tin gây thù ghét, bạo lực, phân biệt chủng tộc... thay vì tiếp tục kiếm tiền từ những nội dung gây phẫn nộ.
Ngày 25/6, Verizon trở thành một trong những hãng viễn thông lớn nhất thế giới tuyên bố tham gia chiến dịch. Họ khẳng định ngừng quảng cáo trên Facebook cho tới khi mạng xã hội "có thể tạo ra một giải pháp chấp nhận được".
Trước đó, nhiều nhãn hàng nổi tiếng khác như Ben & Jerry’s, The North Face, REI, Patagonia, Eddie Bauer... cũng cho biết sẽ rút quảng cáo trên Facebook và Instagram để đợi nền tảng "có hành động rõ ràng trong việc ngăn chặn thông tin phân biệt chủng tộc".
Danh sách các thương hiệu tẩy chay Facebook hiện đã lên tới con số gần 100.
"Trong thời gian quá dài, Facebook vẫn thất bại trong việc thực hiện những bước đi đầy đủ để ngăn sự lan rộng của những chiến dịch nguy hiểm, gây hại trên nền tảng của họ", Patagonia viết. "Từ thông tin về bầu cử, đại dịch toàn cầu cho tới cuộc biểu tình vì người da màu, họ vẫn ngồi yên và để nền tảng tiếp tục phát tán tin sai lệch, kích động sự sợ hãi và thù ghét".
Carolyn Everson, Phó giám đốc phụ trách Nhóm doanh nghiệp toàn cầu của Facebook, nói trên CNN: "Chúng tôi tôn trọng quyết định của các nhãn hàng và sẽ tập trung vào việc gỡ bỏ nội dung thù địch cũng như cung cấp thông tin tranh cử quan trọng".
Không chỉ vấp phải phản ứng từ bên ngoài, Facebook cũng đối mặt với tình trạng chia rẽ nội bộ. Hàng trăm nhân viên công khai chỉ trích, thậm chí nghỉ làm một ngày sau khi Mark Zuckerberg quyết định giữ nguyên các bài viết "gây bức xúc" của Trump.
Facebook cũng từng tổ chức một cuộc thăm dò nội bộ hồi đầu tháng 6 và hơn 1.000 nhân viên bỏ phiếu chống lại lựa chọn của Zuckerberg, chỉ 19 người đồng ý. Tình trạng bất ổn được mô tả là "thách thức nghiêm trọng nhất đối với Zuckerberg" kể từ khi công ty thành lập cách đây 15 năm.
Facebook đạt doanh thu 69,7 tỷ USD từ quảng cáo trong năm 2019, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Google. Theo các chuyên gia, chiến dịch có thể sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến doanh thu của Facebook, nhưng sẽ nâng cao nhận thức và "tạo nên những sự thay đổi thực sự".