Hiện nay, phần lớn các dự án tại các CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là đa ngành nghề được UBND tỉnh quy hoạch khuyến khích các dự án về chế biến gỗ.
Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 xác định đầu tư 114 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích hơn 3.180ha, nhưng đến nay mới có 59 CCN được thành lập, thu hút 379 dự án đầu tư.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Quảng Nam cần sớm chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, đồng thời đánh giá lại quy hoạch phát triển mạng lưới CCN trên địa bàn.
Hiện nay, phần lớn các dự án tại các CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là đa ngành nghề; chỉ riêng 04 CCN (Tam Dân – Phú Ninh; Quế Cường – Quế Sơn; Đại Đồng 2, Đại Nghĩa 2 – Đại Lộc) được UBND tỉnh quy hoạch khuyến khích các dự án về chế biến gỗ. Tuy nhiên, các CCN này vẫn thu hút các dự án mang tính chất ngành nghề khác tùy theo nhu cầu của địa phương. Trên thực tế, ngoài việc thu hút các dự án vào CCN theo như định hướng ngành nghề, các địa phương còn tiếp nhận các dự án khác theo đề xuất của nhà đầu tư, gây khó khăn trong việc quản lý cũng như phá vỡ quy hoạch CCN đã được duyệt.
Theo Sở Công Thương Quảng Nam, từ năm 2012-2021, các CCN được hỗ trợ bởi ngân sách địa phương theo mức quy định tại Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 17/4/2012 và một phần ngân sách trung ương, với tổng kinh phí hỗ trợ 335,145 tỷ đồng cho 27 CCN, bình quân 33,51 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, vốn hỗ trợ từ ngân sách cho mỗi CCN là tương đối thấp. Vì vậy, hạ tầng dùng chung các CCN chủ yếu là đường trục chính, một số CCN đầu tư hệ thống thoát nước mặt và các tuyến đường nhánh.
Cùng với đó, nhiều vấn đề bất cập mới xuất hiện trong quá trình triển khai, như một số CCN trong quá trình xây dựng buộc phải tăng cường quy mô diện tích, một số khác buộc phải giảm quy mô. Cá biệt là một số CCN không thể triển khai được cần phải loại bỏ và một số vị trí khác có tính khả thi cần bổ sung vào danh mục được phép quy hoạch.
Ngoài ra, tiến độ quy hoạch và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp. Đến nay chỉ có 04/59 CCN xây dựng khu xử lý nước thải tập trung nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Cùng với đó, việc chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang doanh nghiệp còn khó khăn do ngân sách đã đầu tư chưa có quy định cụ thể, rõ ràng,...
Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam, cho biết CCN trên địa bàn thời gian qua gần như “án binh bất động”, không có nhiều đổi mới. Ngoài ra cũng còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển CCN tại địa phương.
“Trong 2 năm qua, việc đầu tư vào CCN gần như “đứng bánh”. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2024 về phát triển CCN mang lại hy vọng tháo gỡ cho các CCN trên địa bàn”, ông Quang cho hay.
Để phát triển CCN trên địa bàn, Sở Công thương Quảng Nam đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục hoàn chỉnh đầu tư xây dựng dứt điểm, hoàn chỉnh hạ tầng CCN đối với các CCN có hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh, tỷ lệ lấp đầy cao từ 60% trở lên để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư. Đối với các CCN chưa được đầu tư hay đầu tư một phần, Quảng Nam nên thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng để thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật CCN.
Trường hợp chuyển giao CCN do Nhà nước đầu tư xây dựng cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN, Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam quy định cụ thể việc bàn giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN từ cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sang các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng để thuận tiện trong công tác quản lý, đầu tư mở rộng CCN. Đồng thời, cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh để hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng các CCN, ưu tiên hỗ trợ trước các CCN miền núi để triển khai đầu tư hạ tầng, thu hút các dự án đang có nhu cầu cao hiện nay tại vùng núi.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, đánh giá lại quy hoạch phát triển mạng lưới CCN. Cụ thể, các địa phương đề xuất để loại khỏi Phương án phát triển CCN đối với các CCN mà chi phí giải phóng mặt bằng quá cao, vướng mắc kéo dài, vị trí thực hiện dự án tác động xấu đến môi trường, có quy mô diện tích nhỏ,...
Ngoài ra, Quảng Nam cũng sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các trường hợp quản lý, sử dụng đất công ích không đúng quy định. “Các địa phương cần rà soát quy mô CCN, nhu cầu, hiệu quả đầu tư… để cân đối xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung phù hợp. Chủ đầu tư hạ tầng CCN nghiên cứu, đề xuất phân kỳ đầu tư hợp lý đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế, làm căn cứ thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, tập trung hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để ưu tiên giao đất một lần,...”, ông Lê Trí Thành nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm