Lợi nhuận quý I/2021 của TAC tăng cao nhờ công ty tái định vị thương hiệu Tường An, đồng thời giá dầu ăn thế giới lập đỉnh vùng 9 năm cũng đã giúp TAC có quý đầu tiên của năm kinh doanh thuận lợi.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2021, doanh thu thuần của Công ty CP Dầu thực vật Tường An (HoSE: TAC) đạt 1.583 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 218 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong kỳ TAC có 9,4 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, chi phí tài chính tăng nhẹ, chi phí Quản lý doanh nghiệp giảm từ gần 24 tỷ đồng xuống còn 8,6 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí bán hàng tăng thêm 15% so với cùng kỳ 2020, đạt 113 tỷ đồng. Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí TAC lãi sau thuế 77,6 tỷ đồng cao gấp 2,6 lần cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.292 đồng.
Lãnh đạo TAC lý giải, sở dĩ lợi tăng cao trong quý I là do công ty công ty đã tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi, sản phẩm cao cấp, đồng thời tái định vị thương hiệu Tường An, mở rộng ngành hàng và quản lý tốt chi phí quản lý mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tính đến cuối quý I/2021, tổng tài sản của TAC đạt hơn 1.796 tỷ đồng, giảm 499 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ phải trả hơn 1.270 tỷ đồng, giảm 547 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 1.257 tỷ đồng.
Năm 2020, TAC ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.247 tỷ đồng, tăng 26,67% so với năm 2019, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 762 tỷ đồng, tăng 15,22%. Trong đó, doanh thu đến từ phân khúc trung và cao cấp tăng 23%.
Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 221 tỷ đồng, tăng 29,61% so với cùng kỳ 2019. Với sự mục tiêu gia tăng doanh số, mở rộng ngành hàng, biên lợi nhuận gộp năm 2020 đạt 14,53%, thấp hơn so với 15,97% của năm 2019; ngược lại biên lợi nhuận sau thuế lại tăng nhẹ lên đạt 3,36%.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường diễn ra hồi tháng 2 vừa qua, Ban lãnh đạo TAC cho biết, năm 2021 công ty sẽ tiếp tục tập trung gia tăng thị phần ở hai dòng sản phẩm trung và cao cấp, thực hiện chiến lược khu vực hóa, xây dựng kế hoạch kinh doanh mùa vụ và danh mục sản phẩm phù hợp với từng địa phương nhằm tạo ra sức mạnh cạnh tranh, gia tăng thị phần.
Bên cạnh đó, TAC sẽ cũng tiến hành đầu tư, mở rộng nhà máy dầu Phú Mỹ: Nâng công suất nhà máy tinh luyện; Đầu tư một số hạng mục máy móc thiết bị, mở rộng kho, bồn chứa. Mở rộng diện tích xây dựng nhà máy Vinh từ 8.800 m2 lên 17.000m2 và nâng công suất từ 40.000 tấn/năm lên 150.000 tấn/năm nhằm tiết giảm chi phí sản xuất và logistics, đồng thời gia tăng năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường miền Bắc và miền Trung.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), chỉ số đo lường giá dầu ăn và thực phẩm đã tăng 12% trong quý I và tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Giá dầu thực vật đang ở vùng đỉnh 9 năm, dầu hạt ở vùng đỉnh 7 năm.
Dầu cọ và dầu đậu nành hiện là 2 loại dầu ăn thực vật được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới và chiếm hơn 60% tổng sản lượng dầu ăn toàn cầu. Giá đậu nành, nguyên liệu sản xuất dầu đậu nành, trong tháng 3 đã tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng của khu vực Nam Mỹ suy giảm dưới các tác động của hiện tượng thời tiết La Nina. Giá dầu cọ trong tháng 3 cũng đã tăng trung bình 62% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết xấu tại khu vực Đông Nam Á, khu vực cung cấp dầu cọ chính cho toàn cầu.
Tính đến đầu tháng 5, giá dầu cọ kỳ hạn trên sàn Bursa Malaysia giảm nhưng vẫn giao dịch ở vùng 4.000 ringgit (981,07 USD) mỗi tấn, tăng 23% so với cuối năm trước và tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.
World Bank dự báo giá dầu cọ sẽ đạt mức trung bình 975 USD/tấn trong năm nay, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 668 USD/tấn trong tháng 3 vừa qua của chính phủ Indonesia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Trong khi đó, giá dầu đậu nành được dự báo sẽ đạt trung bình 1.025 USD/tấn trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức trung bình 838 USD/tấn trong năm ngoái.
Trước diễn biến tăng cao của giá dầu ăn thế giới thời gian qua, giá dầu ăn trong nước cũng đang tăng khá cao. Cụ thể, giá dầu Cooking Oil Tường An, nếu hồi đầu năm có giá từ 36.000 – 37.000 đồng/lít thì hiện nay tăng lên 40.000 - 41.800 đồng/lít. Tương tư, thương hiệu dầu đậu nành Simply cũng tăng giá từ 47.000 đồng/lít lên 51.000 đồng/lít; dầu thực vật Cái Lân tăng giá từ 27.000 đồng/lít lên 33.000 đồng/lít…
Diễn biến trên thị trường cũng cho thấy, cổ phiếu TAC đang có chuỗi tăng điểm khá mạnh. Hiện cổ phiếu TAC chốt phiên giao dịch ngày 7/5 đạt 63.000 đồng/cổ phiếu, tăng 4,65% so với phiên giao dịch trước đó. Tính từ đầu năm, cổ phiếu ngành dầu ăn này đã tăng gần 40% từ vùng giá 45.400 đồng/cổ phiếu, lên vùng giá 63.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường đạt hơn 2.134 tỷ đồng. Với đà tăng và triển vọng tích cực, CBNV Tường An đang chờ đợi cổ phiếu ESOP giá 15.000đ/cổ phần như kế hoạch phát hành. Bên cạnh đó, cổ đông hiện hữu cũng có cơ hội rót vốn với giá cổ phiếu dự kiến phát hành 40.000đ/ cổ phiếu. Tuy nhiên, nhiều cổ đông hiện hữu đặc biệt nhà đầu tư tương lai đang chờ ESOP lại cũng có một nỗi lo là với giá dầu lên vùng đỉnh nhờ chu kì siêu lạm phát hàng hóa đang bắt đầu, nếu ở thời điểm mà họ được bán ra cổ phiếu, giá dầu ăn giảm, thì cơ hội hiện thực hóa lợi nhuận cao của họ có thể bị bỏ lỡ. Theo đó, dù đang được kỳ vọng "Điểm 10 chất lượng" của ngành Dầu ăn, cổ phiếu này cũng vẫn khiến nhiều người đau tim vì diễn biến giá nguyên liệu chế biến dầu thực vật có thể không còn như mong đợi.
Có thể bạn quan tâm