Giá dầu sẽ giao động khoảng 85-88 USD/thùng năm 2024

DIỄM NGỌC 15/02/2024 05:00

Theo chuyên gia, giá dầu thô trung bình trong năm 2024 sẽ rơi vào mức 85 - 88 USD một thùng và sẽ có một số đợt biến động mạnh, khiến xu hướng giá dầu tăng cao nhưng không quá kéo dài.

>>Căng thẳng tại Biển Đỏ, giá dầu và rủi ro chuỗi cung ứng

Năm 2023 được đánh giá là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng. Thị trường cũng bị đánh giá thấp về khả năng dòng chảy thương mại trước các lệnh trừng phạt và lệnh cấm liên quan đến cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, hay câu chuyện mở cửa trở lại của Trung Quốc không diễn ra như kỳ vọng với một số điểm yếu trong nền kinh tế, nhất là lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý, việc thắt chặt chính sách của các ngân hàng trung ương và đồng đô la Mỹ mạnh hơn đã tạo ra những trở ngại mạnh mẽ cho thị trường hàng hóa.

Thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ sớm đảo ngược việc thắt chặt chính sách và bắt đầu cắt giảm lãi suất, cùng với việc đồng USD yếu hơn sẽ tạo ra một số thuận lợi cho hàng hóa

Thị trường kỳ vọng Fed sẽ sớm đảo ngược việc thắt chặt chính sách và bắt đầu cắt giảm lãi suất, cùng với việc đồng USD yếu hơn sẽ tạo ra một số thuận lợi cho hàng hóa

Ông Warren Patterson, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại ING - một ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia tại Hà Lan cho biết, năm 2024, hầu hết những yếu tố tác động đến các mặt hàng đều dao động từ trung lập đến tăng nhẹ. Ngoài ra, môi trường địa chính trị bất ổn có thể sẽ kéo dài.

ING kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ sớm đảo ngược việc thắt chặt chính sách và bắt đầu cắt giảm lãi suất, cùng với việc đồng USD yếu hơn sẽ tạo ra một số thuận lợi cho hàng hóa.

“Riêng với giá dầu, chính sách của OPEC+ sẽ rất quan trọng, nhất là Arab Saudi đã thể hiện mong muốn hỗ trợ giá trong năm 2023 và chúng tôi không kỳ vọng điều này sẽ thay đổi ở năm 2024. Phải thừa nhận rằng, OPEC+ càng cắt giảm nhiều thì sẽ càng khó đồng ý cho việc cắt giảm sâu hơn. Hiện tại, chúng tôi nhận thấy thị trường dầu mỏ cân bằng trong nửa đầu năm 2024 trước khi chuyển sang thâm hụt vào nửa cuối năm, điều này sẽ khiến giá giao dịch cao hơn. Rủi ro chính xung quanh nguồn cung dầu vẫn là căng thẳng ở Trung Đông và khả năng thực thi chặt chẽ hơn các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Điều này sẽ khiến thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn nhiều so với dự kiến.

Chúng tôi cũng giữ quan điểm trung lập về khí đốt tự nhiên của châu Âu khi bắt đầu mùa sưởi ấm 2023-2024 với kho dự trữ đầy đủ. Có thể lượng dự trữ sẽ giảm trong mùa đông này dưới mức của mùa đông năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình. Điều này một lần nữa sẽ giúp công việc nạp lại kho lưu trữ vào mùa hè tới có thể quản lý được. Thị trường khí đốt toàn cầu sẽ bắt đầu chứng kiến công suất xuất khẩu LNG mới bắt đầu tăng lên vào cuối năm 2024, khiến châu Âu ít bị tổn thương hơn từ giai đoạn cuối năm. Phần lớn việc bổ sung công suất LNG vào năm 2024 sẽ do Mỹ thúc đẩy. Do đó, chúng tôi có quan điểm tương đối mang tính xây dựng hơn về giá khí đốt tự nhiên của Mỹ”, ông Warren Patterson cho biết.

Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), năng lượng dự phòng của OPEC có thời điểm cao điểm chiếm khoảng 5% nguồn cung dầu mỏ ra ngoài thế giới, tương đương khoảng 5 triệu thùng một ngày. Đây là một con số rất lớn, trong trường hợp khẩn cấp phải sử dụng và gia tăng công suất dự phòng thì họ cũng dễ dàng để đối phó với việc thiếu nguồn cung trên thị trường.

Ông Đoàn Tiến Quyết, Chuyên gia cao cấp Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, thực tế không dễ xảy ra các cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung dầu một cách trầm trọng trong giai đoạn từ nay về sau. Cộng thêm công suất dự phòng của các nước đều rất tốt và đều chủ động trong việc bổ sung kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia. Ví dụ như Mỹ, năng lực dự trữ dầu thô chiến lược và thương mại là khoảng 1 tỷ thùng một ngày.

Tuy nhiên, nhận định về nhu cầu dầu mỏ tăng trong năm nay vẫn là điều khả thi bởi vì hiện nay mặt bằng lãi suất đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại và giảm dần tại một số quốc gia trên thế giới, cho thấy tăng trưởng của lạm phát đang ở mức độ thấp hơn và sẵn sàng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi lạm phát giảm, tăng trưởng kinh tế tốt thì nhu cầu cũng sẽ tăng cao, vì vậy nhu cầu dầu sẽ tăng nhưng ở mức độ vừa phải.

>>Điều chưa biết về "ẩn số" giá dầu năm 2024

Về dự báo giá dầu trong năm nay, theo báo cáo mới phát hành vào tháng 1 của EIA, giá dầu Brent trung bình khoảng 82,5 USD một thùng và nguồn cung - cầu dầu sẽ rơi vào khoảng 102 triệu thùng một ngày, tăng khoảng hơn 1 triệu thùng một ngày so với năm 2023, thậm chí cung còn dư một chút so với nhu cầu.

Không dễ xảy ra các cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung dầu một cách trầm trọng trong giai đoạn từ nay về sau

Không dễ xảy ra các cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung dầu một cách trầm trọng trong giai đoạn từ nay về sau

“Đối với Viện Dầu Khí Việt Nam, chúng tôi đưa ra các nhận định như sau: Thứ nhất, giá dầu thô trung bình trong năm 2024 sẽ rơi vào mức 85 - 88 USD một thùng. Trong năm nay, sẽ có một số đợt biến động mạnh khiến xu hướng giá dầu tăng cao nhưng không quá kéo dài. Nguyên nhân cơ bản là do hiện nay căng thẳng chính trị tại khu vực Trung Đông, Israel-Hamas vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu lắng xuống. Ngoài ra, các căng thẳng khác như Nga Ukraine, hay căng thẳng tại Biển Đỏ bất kỳ lúc nào cũng có thể bùng phát ở mức độ cao hơn nữa, vô hình chung có thể dẫn đến các cuộc tăng giá diễn ra nhanh.

Thứ hai, cán cân cung - cầu dầu trên thị trường cũng tương đối bám sát nhau, mức tiêu thụ trung bình sẽ khoảng 102 triệu thùng một ngày và không có nhiều chênh lệch giữa cung và cầu”, ông Đoàn Tiến Quyết dự báo.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, theo vị chuyên gia, chúng ta phải đảm bảo được nguồn dự trữ và phải cân đối để hài hòa, đáp ứng nhu cầu trong nước. Đồng thời cần nâng cao năng lực dự báo, nếu dự báo chính xác được nhu cầu tiêu thụ cụ thể tại từng khu vực, vùng miền theo từng lĩnh vực thì chúng ta sẽ đưa ra được kế hoạch, phương hướng để tiến hành các đợt nhập khẩu, hay điều chỉnh tăng giảm trong các kho dự trữ phù hợp nhất với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng nhu cầu tăng cao mà không có hàng hoá hoặc ngược lại.

Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ mới, chuyển đổi số trong việc vận chuyển hàng cung ứng ra thị trường cũng rất cần thiết, đảm bảo việc phân phối sản phẩm xăng dầu giữa các khu vực được hài hòa, không dẫn đến hiện tượng thiếu hụt cục bộ.

Có thể bạn quan tâm

  • Căng thẳng tại Biển Đỏ, giá dầu và rủi ro chuỗi cung ứng

    04:30, 09/02/2024

  • BSR “thăng trầm” cùng giá dầu

    13:04, 25/01/2024

  • Điều chưa biết về "ẩn số" giá dầu năm 2024

    03:30, 24/01/2024

  • Nhiều tác động khó lường, giá dầu năm 2024 sẽ ra sao?

    12:00, 07/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá dầu sẽ giao động khoảng 85-88 USD/thùng năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO