Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai tiến hành phá bỏ 200 ha cà phê già cỗi trồng tái canh nhưng lại rất “mập mờ” trong việc đưa ra phương án giải quyết hợp đồng với công nhân.
Trước khi thực hiện cổ phần hóa (CHP), Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai (97 Phạm Văn Đồng, P. Thống Nhất, TP Pleiku) - do ông Võ Ngọc Hiếu làm Giám đốc đã ký hàng loạt hợp đồng giao khoán cho phép công nhân trong công ty chuyển đổi từ cây cà phê kém hiệu quả sang trồng cây hồ tiêu, sầu riêng. Đến nay quá trình CPH đã hoàn tất, chủ mới (Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai) tiến hành phá bỏ 200 ha cà phê già cỗi trồng tái canh nhưng lại rất “mập mờ” trong việc đưa ra phương án giải quyết hợp đồng với công nhân.
Công nhân “thiệt đơn thiệt kép”
Năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản 1039/UBND – NL cho phép Cty TNHH MTV Cà phê Gia Lai chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng tiêu tại huyện Chư Sê. Căn cứ văn bản trên ông Đỗ Đức Thịnh – trưởng Chi nhánh văn phòng công ty và ông Võ Ngọc Hiếu - giám đốc đã ký Hợp đồng cho phép công nhân chuyển đổi từ cà phê sang trồng hồ tiêu.
Hợp đồng được ký, thể hiện rất rõ trách nhiệm mỗi bên. Đối với công nhân họ có trách nhiệm trồng, chăm sóc và nộp sản cho công ty như hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng và định mức giao khoán. Công nhân tại thôn 1, 2, 3 xã Ia Pal và thôn Bình Minh xã Dun, huyện Chư Sê (Gia Lai) ồ ạt phá trắng vườn cà phê để trồng tiêu hoặc xen canh cây tiêu trong vườn cà phê. Nhiều công nhân đã đầu tư tiền tỷ trồng tiêu chưa kịp thu hồi vốn, tiêu đã chết hàng loạt đành phải nhận “trái đắng” nhưng cũng có hộ cây hồ tiêu vẫn xanh tốt, đang vào giai đoạn kinh doanh giờ phải phá bỏ để trồng tái canh cà phê.
Công nhân Nguyễn Thị Nga (trú tổ dân phố 13, thi trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) ký Hợp đồng giao nhận khoán (HĐGNK) số 127/HĐGNK ngày 9/4/2014. HĐGNK có thời hạn 10 năm (trong đó 3 năm đầu xây dựng cơ bản, 7 năm kinh doanh), hộ chị Nguyễn Thị Nga phải có trách nhiệm nộp sản lượng giao khoán bắt đầu từ năm 2017 với sản lượng 180 kg tiêu đen, tăng lên 342kg vào năm 2023 rồi giảm 162kg vào năm cuối cùng của hợp đồng. Tổng sản lượng tiêu đen phải nộp là gần 2,4 tấn.
Chị Nga cho biết, HĐGNK với Cty TNHH MTV Cà phê Gia Lai do ông Võ Ngọc Hiếu và Đỗ Đức Thịnh ký cho phép chuyển đổi 3.800m2 diện tích cà phê sang trồng tiêu. Gia đình đã vay mượn gần 1 tỷ đồng trồng 1.900 trụ tiêu năm nay vào kinh doanh cho sản lượng khoảng 4 -5 tấn tiêu đen khô. Hiện chưa thu được vốn lại bị phá bỏ, của đau con xót lắm. Tương tự là các hộ Phùng Thị Mùa, Vũ Hoàng Hiếu, Phạm Văn Hoan… cũng đang đứng ngồi không yên trước quyết định phá bỏ vườn tiêu.
Ai bảo vệ quyền lợi người công nhân?
Dù hiện nay Cty cổ phần Cà phê Gia Lai đang tổ chức đưa máy móc phá bỏ những vườn cà phê già cỗi, nhiều diện tích hồ tiêu, sầu riêng, bơ vẫn đang để lại cho công nhân thu hoạch, kiểm đếm. Theo kế hoạch trong đợt này sẽ phá bỏ 200 ha cà phê tại các thôn 1, 2 xã Ia Pal và thôn Bình Minh xã Dun, huyện Chư Sê. Toàn bộ diện tích hồ tiêu được cam kết đến tháng 6 này mới thực hiện việc phá bỏ. Chủ mới (Cty cổ phần Cà phê Gia Lai) đã tổ chức nhiều cuộc họp với công nhân bàn giải pháp nhưng chỉ nói là hỗ trợ tiền trồng tiêu, đào giếng, tiền kéo điện phục vụ tưới tiêu. Chứ chưa có phương án cụ thể để công nhân bớt lo.
Nhiều công nhân cho rằng, không phản đối chủ trương tái canh cà phê nhưng HĐGNK trồng tiêu vẫn còn thời hạn. Trước khi phá bỏ vườn tiêu cần làm rõ phương án bồi thường hay hỗ trợ hợp đồng. Nếu hỗ trợ phải công khai để công nhân biết, chứ hiện nay họ (Cty cổ phần Cà phê Gia Lai) rất mập mờ.
Trao đổi qua điện thoại, đại diện Cty cổ phần Cà phê Gia Lai cho biết, họ đang đang kiểm đếm số hộ trồng tiêu, diện tích hồ tiêu nên chưa có thống kê số liệu cụ thể. “Hiện ông Võ Ngọc Hiếu giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê Gia Lai vẫn chưa bàn giao được gì hết, chưa làm gì đến đầu đến cuối hết” - đại diện Cty cổ phần cà phê Gia Lai cho biết.