Nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Dưới tác động của Covid-19, Công ty Bất động sản Bình An Phát đã gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thừa hưởng nhiều nhân viên ưu tú, có kinh nghiệm phát triển khách hàng nhưng đến nay doanh nghiệp phải “gục ngã” trước làn sóng COVID-19 đang diễn ra khá phức tạp. Nhiều nhân viên được cho nghỉ, hoặc giảm lương đến 50% để duy trì hoạt động.
Giám đốc Công ty Bất động sản Bình An Phát, ông Hồ Văn Ước cho biết: “Dịch COVID-19 lần này đã khiến mọi hoạt động của công ty gần như đóng băng. Các hoạt động môi giới đất nền đều diễn ra trên không gian mạng. Đây cũng là điều bất lợi nhiều khi khách muốn đi coi trực tiếp để biết vị trí đất, thế đất và hướng đất. Cộng với việc thiếu vốn để kinh doanh dẫn đến doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng. Tính đến nay doanh thu của doanh nghiệp bị giảm một nửa so với năm 2020. Do đó doanh nghiệp đang cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Gia Lai để duy trì hoạt động qua đợt dịch này.”
Ngoài ra theo phân tích của đại diện Công ty Cổ phần Bất động sản Lam Hồng nếu địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, thu nhập của người dân giảm dần, nguồn tích luỹ bị co hẹp thì sức mua trên thị trường bất động sản sẽ giảm, khách hàng sẽ tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị thấp và vừa tại các vùng ven đô thị.
Tuy nhiên đó mới chỉ là sự chuyển hướng bất động sản của người dân, còn hiện nay Công ty Cổ phần Bất động sản Lam Hồng cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Trao đối với phóng viên, ông Trần Ngọc Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Lam Hồng cho biết: “Khó khăn đối với doanh nghiệp là về vốn, thứ nữa là về chi phí thuê mặt bằng, nguồn trả lương. Do những hạn chế đó mà Công ty chúng tôi thu mua đất nhỏ giọt. Cùng với đó do các dự án trước đây đa số dùng vốn vay để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng rất lớn. Do vậy nếu không được xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ để có thêm nguồn lực phát triển dự án. Đồng thời mong muốn thời gian tới địa phương có những chính sách cụ thể đối với doanh nghiệp bất động sản để tiếp tục hoạt động và đưa sản phẩm ra thị trường”.
Tuy các công ty đã áp dụng công nghệ Internet như Facebook, Instagram, quảng cáo trực tuyển để mời chào khách hàng các sản phẩm. Tuy nhiên với ngành bất động sản, việc giao dịch online rất khó, khách hàng còn muốn đến tận nơi xem xét dự án, tiến hành ký kết các thủ tục mua bán…
Đôi khi để nhanh thu hồi vốn trong mùa dịch, một số công ty còn đưa ra những khuyến mãi khác nhau như tặng bản thiết kế xây dựng, giúp hoàn thiện giấy phép xây dựng nhưng lượng khách hàng rất thấp.
Ông Nguyễn Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực và Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai thừa nhận: “Hiện nay các doanh nghiệp bất động sản ở Gia Lai cũng đang gặp khó nhiều. Tuy nhiên chưa có công ty nào vào hiệp hội nên chúng tôi chưa thể giúp gì.”
Thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và thành phố Pleiku nói riêng có hơn 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Nguồn vốn tự có cũng rất eo hẹp chủ yếu dựa vào vòng xoay của bất động sản để tăng giá trị lợi nhuận. Theo đại diện hai doanh nghiệp trên việc vay vốn ở các ngân hàng cũng gặp nhiều rắc rối về thủ tục hành chính.
"Mấu chốt cho doanh nghiệp bất động sản ở Gia Lai vượt qua khó khăn là phải tìm ra giải pháp kích cầu, thu hút khách hàng để thu hồi vối. Đồng thời các doanh nghiệp phải hợp sức đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với chính quyền địa phương, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai để có thể tiếp cận những nguồn vốn cụ thể cho việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp" - ông Tuấn cho biết.
Có thể bạn quan tâm
HoREA đề nghị ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản
09:30, 09/08/2021
Các doanh nghiệp bất động sản top đầu lãi cao nhờ đâu?
04:50, 03/08/2021
Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực khắc phục hậu quả COVID-19
01:15, 18/07/2021
[eMagazine] Doanh nghiệp địa ốc cần tiếp “ô-xy tín dụng”
04:00, 30/08/2021
Doanh nghiệp địa ốc đứng ngoài ưu đãi lãi suất: Không công bằng
15:11, 25/08/2021
Doanh nghiệp địa ốc cần tiếp “ô-xy tín dụng”
14:00, 25/08/2021