Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng vượt giá gạo Thái Lan và đắt nhất thế giới, được cho là không hoàn toàn có lợi thế, chưa nói đến yếu tố bất lợi.
>>>Tăng cường vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Trước thông tin giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng lại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn trong khi loại gạo này của Thái Lan có giá 561 USD/tấn, khiến giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới, nhiều doanh nghiệp không hẳn vui mừng mà bày tỏ lo lắng.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo của Việt Nam cao so với mặt bằng chung của thế giới không hoàn toàn là lợi thế, chưa nói là bất lợi.
Bởi nếu doanh nghiệp bán ra với giá quá cao, khách hàng có thể tìm kiếm nguồn cung mới với giá hợp lý hơn, khi đó, có thể mất thị trường hay tốn nhiều thời gian, công sức để đàm phán mua hàng trở lại.
Mặt khác, giá gạo xuất khẩu cao cũng đẩy giá nguyên liệu trong nước đi lên, doanh nghiệp không dám mua vào vì nguồn vốn lớn, rủi ro cao.
"Với các ngành hàng nông sản khác, thông thường doanh nghiệp sẽ bán hàng cho khách trả giá cao. Tuy nhiên, với ngành hàng gạo lại có chút khác biệt", ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice chia sẻ.
Theo đó, tại Việt Nam, chỉ khoảng 3,5 tháng/vụ lúa, điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung liên tục được lấp đầy. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường tính chuyện đường dài. Doanh nghiệp xuất khẩu thường ưu tiên bán hàng cho thị trường truyền thống có tính ổn định, thanh toán nhanh và giá bán tương đồng với các nhà cung cấp khác. Sau khi cung cấp đủ cho các đối tác lâu năm, doanh nghiệp gạo mới tính đến các thị trường mới, giá cao.
“Những khách trả giá cao cũng có thể là những khách hàng chỉ mua một lần, thị trường mới sẽ kèm theo rủi ro về thanh toán, lừa đảo thương mại”, ông Phạm Văn Có chia sẻ.
>>>Doanh nghiệp mong xuất khẩu gạo ổn định hơn là giá cao
Từ góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cho biết, việc giá gạo của Việt Nam hiện nay đang “đắt” nhất thế giới có 2 điểm vừa đáng mừng và cũng vừa đáng lo.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, mừng ở chỗ lúa gạo của Việt Nam năm nay vừa được mùa, vừa được giá, sản lượng xuất khẩu tăng 25% nhưng giá trị lên tới 36%. “Điều này cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng và đúng thời cơ trong bối cảnh thế giới đang có sự suy giảm nguồn cung và áp lực về thiếu hụt lương thực. Chính vì vậy, giá gạo hiện nay giúp cho người nông dân có thêm thu nhập cũng như chúng ta yên tâm hơn trong định hướng sản xuất lương thực” , ông Nguyễn Minh Phong phân tích.
Bên cạnh đó, nỗi lo là ở chỗ nếu trong kho không còn dự trữ thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực của đất nước. Mà vụ mùa tới, diễn biến ra sao thì chưa lường trước được.
“Chính vì vậy, nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Công Thương là điều hành xuất khẩu, nhất là xuất khẩu gạo cho tốt. Bên cạnh đó, phải dự báo mức sản lượng năm sau cho phù hợp. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những điều quan trọng nhất là phải tiếp tục hỗ trợ người nông dân chuyển đổi giống, nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao giá bán như chúng ta đang làm hiện nay”, vị chuyên gia kinh tế khuyến nghị.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành khác, bởi Bộ Công Thương hiện chỉ quản lý xuất nhập khẩu, còn vấn đề về trồng trọt và sản lượng của năm sau và dự trữ quốc gia là nhiệm vụ của nhiều bộ ngành khác.
“Bộ Công Thương phải cân nhắc kỹ về việc tăng giá theo giá thế giới, bởi nếu tăng theo giá thế giới là khách quan, nhưng tăng giá để đầu cơ thì cần phải phân biệt rõ ràng. Người dân vẫn có quyền tăng giá, bởi nếu không tăng theo giá thế giới thì các đầu nậu nước ngoài sẽ vào Việt Nam mua do giá rẻ và mang về nước xuất khẩu với giá cao thì người dân sẽ thiệt thòi” , TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Do đó, vị chuyên gia khuyến nghị phải hết sức lưu ý, tránh cực đoan không cho tăng giá, mà phải cân đối với giá thế giới để phù hợp với lợi ích của người nông dân được hưởng trong bối cảnh hiện nay, tránh trường hợp lợi ích do tăng giá thế giới rơi vào tay của người nước ngoài/
Cùng với đó, thời gian tới, Việt Nam cần giữ được mức giá ổn định trong nước bằng các công cụ bình ổn giá. Đây là chương trình Bộ Công Thương đã làm nhiều năm và có kinh nghiệm, còn xuất khẩu thì phải theo giá thế giới.
Các chuyên gia khuyến nghị, khi gạo Việt đứng trước càng nhiều cơ hội, doanh nghiệp Việt càng cần bình tĩnh. Bởi lẽ, mọi vấn đề có thể phát sinh mặt trái nếu chúng ta không quản lý tốt, chỉ nhìn về một phía, một khía cạnh.
Trong cấu trúc ngành hàng, giá cả được quyết định bởi yếu tố cung – cầu, khi cầu tăng, cung không thay đổi thì giá sẽ lên, điều này chúng ta không can thiệp được. Tuy nhiên, ngành lúa gạo vẫn đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Do vậy, nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng và cùng chia sẻ thời cơ làm sao để vụ mùa sau mọi người còn có thể hợp tác làm ăn với nhau. Các doanh nghiệp, thương nhân cũng cần tỉnh táo trong việc mua bán hiện nay. Giữ chữ "tín" cũng là việc đặt lên hàng đầu lúc này.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 19/08/2023
04:00, 16/08/2023
00:30, 15/08/2023
04:00, 09/08/2023
02:50, 06/08/2023