Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Thai Binh Seed, trong số 11 quốc gia trong CPTPP, Việt Nam là quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp ở mức thấp nhất.
Dù xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đứng top đầu thế giới nhưng chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung và việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém. Điều dễ thấy nhất chính là tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao, không ít ngành hàng nông sản có chất lượng và số lượng các chuỗi còn thấp.
Trong khi đó, Australia, Nhật Bản hay New Zealand là những nước có nền sản xuất, chăn nuôi phát triển ở trình độ cao và bài bản. Nông nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với nhiều rủi ro lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, điều kiện thời tiết...
Cùng quan điểm, PGS,TS – Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn các ngành khác. Đối với ngành nông nghiệp, hiện có 3 thách thức lớn đang phải đối mặt đó là: Năng suất lao động thấp, tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ và thách thức thiên tai.
“Ba thách thức đó của nền nông nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, không còn là vấn đề tự sản tự tiêu, mà là sản xuất để bán cho thị trường trong nước và thị trường thế giới. Đối với thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, tỷ lệ đô thị hóa hơn 40%, trong điều kiện hội nhập cạnh tranh gay gắt yêu cầu chất lượng cao hơn. Đối với thị trường thế giới với 7,5 tỷ dân, đặc biệt 10 thị trường trong CTTPP có nhiều đòi hỏi về tiêu chuẩn, thời gian, chủng loại, chất lượng rất khắt khe…”, ông Long nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, tại thị trường CPTPP nói riêng và thị trường quốc tế nói chung, Việt Nam với xuất phát điểm là nước nông nghiệp gần như luôn theo sau trong mọi lĩnh vực công nghiệp hóa, số hóa, trí tuệ nhân tạo AI…
Trên thực tế, nông sản Việt dù đóng góp mức xuất khẩu lớn hàng năm nhưng vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, tình trạng được mùa mất giá thậm chí nông sản bị trả về vẫn xảy ra thường xuyên khiến giá trị sản phẩm nông sản Việt chưa cao.
“Hiện tôi đang có 2ha nuôi tôm công nghiệp và các hiệp hội ở Móng Cái có khoảng 100 ha, nhưng thật đáng buồn vì giá tôm thay đổi mà không giữ được giá khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là năm 2019, tôm bị mất giá, giảm đi khoảng 1/3 giá so với giá tôm hàng năm”, bà Đặng Thị Dịu, Giám đốc Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Nam Phú Hải cho biết.
Có thể bạn quan tâm
00:22, 29/06/2019
19:54, 27/06/2019
19:50, 19/06/2019
19:30, 18/06/2019
11:30, 06/06/2019
11:39, 05/06/2019
10:00, 05/06/2019
07:10, 05/06/2019
Do đó, Chủ tịch Thái Bình Seed cho rằng, để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên sân chơi CPTPP, có 3 vấn đề mà Việt Nam cần thay đổi. Một, thay đổi công nghệ sản xuất nông nghiệp về hệ thống chế biến, bảo quản nông sản phải đồng bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt mà CPTPP đề ra.
Hai, chú trọng liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, bên cạnh liên kết 4 nhà mà Chính phủ thường nhắc tới. Từ đó thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ba, thay đổi cơ chế chính sách nhà nước theo hướng ổn định, hiệu quả và minh bạch. Chính phủ cần phối hợp với Doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu quốc gia một cách đồng bộ và vững mạnh. Tăng cường giao lưu, tăng cường tiếp xúc mới tạo ra được sản phẩm chất lượng, cạnh tranh với quốc tế.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, cần phải kết nối một chuỗi giá trị nông sản với kinh tế số, và thương mại điện tử. “Chúng ta nên có một chủ đề về “Phát triển thương mại điện tử và kinh tế số trong nông nghiệp và nông thôn” để thúc đẩy xuất khẩu, bởi vì bây giờ muốn xuất khẩu mà cứ đi theo con đường truyền thống thì sẽ rất xa so với xu hướng hiện nay”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Theo đó, ông Doanh cho rằng, nếu nhìn vào bức tranh xuất khẩu có thể thấy xuất khẩu sang EU Châu Âu cần phải có kết nối qua thương mại điện tử.
“Chúng ta phải kết nối thành 1 chuỗi giá trị và bảo đảm chất lượng ổn định và giám sát được. Thậm chí là chúng ta lắp camera để đối tác các nước như Nhật Bản biết được quy trình sản xuất. Từ đó, Nhật Bản sẽ biết được chúng ta sản xuất quy trình ra sao, sản xuất như thế nào. Tôi cho rằng, cơ hội của CPTPP đối với nông sản của chúng ta là rất lớn, cho nên chúng ta hãy đẩy mạnh thương mại điện tử, kinh tế số và chất lượng của hàng nông sản Việt Nam, giảm bớt các thủ tục, giảm bớt chi phí như vậy sẽ đưa được nông sản của chúng ta ra thị trường nước ngoài”, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.