[Giải bài toán năng suất lao động] Bài 2: Từ quy luật “công cụ”

Trương Khắc Trà 03/05/2019 05:00

Không có mục tiêu nào là khả dĩ nếu năng suất lao động không đủ để tạo ra của cải vật chất dồi dào cho xã hội...

Nhìn lại lịch sử, cách đây đúng 44 năm mấy ngày, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Cả nước bắt tay xây dựng XHCN với mô hình kinh tế "kế hoạch hóa tập trung".

Trước đó đồng chí Lê Duẩn trực tếp vào Miền Nam năm bắt tình hình, ông nhận thấy rằng: “Ở miền Bắc trước đây phải hợp tác hóa ngay lập tức. Nhưng miền Nam bây giờ không thể làm như vậy... Phải có tư sản, phải cho nó phát triển phần nào đã... Bộ Chính trị sau khi nghiên cứu thấy rằng cần phải để mấy thành phần kinh tế là quy luật cần thiết trong giai đoạn bước đầu này... Xưa nay ở miền Bắc chúng ta có một số sai lầm, là vì chúng ta đã đi sai quy luật. Nếu chúng ta đi sai quy luật mà đưa vào miền Nam thì càng sai lắm”.

Không lâu sau đó thực tiễn đã chứng minh nhận định của Tổng Bí thư Lê Duẩn hoàn toàn hợp lý. Nhưng, sẽ trở lại vấn đề này ở một dịp khác.

Để tiến nhanh tiến mạnh vào XHCN, Việt Nam bắt đầu bằng 2 kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 và 1981 - 1986, kim chỉ nam cho con đường đi là “kinh tế tập thể, hợp tác hóa, nông dân là xã viên”.

Có thể nói gọn lại: quốc doanh (công và thương nghiệp) và tập thể (trong nông nghiệp - với hợp tác xã cấp cao là nòng cốt). Huyện được xem là pháo đài kinh tế, cả nước còn lại 29 tỉnh, thực hiện “kế hoạch hóa tập trung” giống chính sách kinh tế mới (NEP) mà Lênin từng áp dụng trong thời gian đầu của Liên Xô.

Đến những năm 80, nhiều vấn đề bắt đầu bộc lộ, ngoài yếu tố khách quan, còn lại nhân tố chủ quan là điều đáng lưu ý. Sản xuất định trệ, hàng hóa khan hiếm, đời sống khó khăn…

Những năm đó bố mẹ tôi kể lại rằng, trên một mảnh ruộng, sáng nghe tiếng kẻng vác cuốc ra, chiều kẻng đánh lại vác cuốc về, mỗi ngày vài lạng (gram) thóc duy trì cuộc sống của 5, 6 nhân khẩu, làm ít không khác gì làm nhiều; thịt trâu rẻ hơn sắn (củ mì) vì rét hại, và quan trọng là “trâu hợp tác xã” - của chung…

Những bất cập từ chính vĩ mô đã biểu hiện tận hang cùng ngỏ hẻm, một số nơi bắt đầu “xé rào”. Nổi bật nhất là trường hợp khoán ở xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu - Côn Đảo năm 1979, khoán ở xí nghiệp xe khách TP HCM năm 1979, khoán nông nghiệp ở Đoàn Xá, Hải Phòng năm 1980, “phá giá thu mua” lúa của công ty lương thực TP HCM năm 1979 và của An Giang năm 1980, áp dụng cơ chế giá thị trường và bù giá vào lương ở Long An, sự bùng nổ của các công ty xuất nhập khẩu ở các tỉnh, thành phố.

Khoán đất nông nghiệp là một trong những đổi thay làm tăng năng suất lao động

Khoán đất nông nghiệp là một trong những đổi thay làm tăng năng suất lao động

Diễn biến thực tế đã làm thay đổi tư duy về thời kỳ quá độ, vì vậy đại hội 6/1986 được xem là đại hội đổi mới. Nhận ra những bất cập của cơ chế kinh tế hiện hành, từ những kết quả tích cực của phong trào “phá rào” ở cơ sở, Nhà nước cũng bắt đầu có một số thay đổi trong chính sách quản lý kinh tế.

Trên bình diện lý luận, được tổng kết lại rằng, những nhà hoạch định đã vi phạm quy luật khách quan “Quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải bài toán năng suất lao động như thế nào?

    Giải bài toán năng suất lao động như thế nào?

    05:25, 21/12/2017

  • Giải bài toán năng suất lao động: Tìm về K. Marx

    Giải bài toán năng suất lao động: Tìm về K. Marx

    05:00, 01/05/2019

Soi chiếu vào trường hợp nước ta, sau khi đánh thắng nhiều cường quốc làm nảy sinh tâm lý phấn khích “không gì là không thể”, “mo cơm, mắm cà ta xây dựng CNXH”…

Muốn ngay lập tức được nhìn thấy CNXH ngay trên đất nước mình, tức là thay đổi quan hệ sản xuất cũ là tư bản, một ít phong kiến bằng quan hệ sản xuất XHCN, nên vội vàng tập trung sản xuất nhằm tạo ra nguồn cung hàng hóa đủ dùng cho nhu cầu toàn xã hội, dưới sự kiểm soát phân phối của nhà nước.

Nhưng, chúng ta quên rằng, bản thân quan hệ sản xuất không tự mình bước đi lẻ loi đơn độc, nó bị quyết định bởi một thứ khác gọi là “lực lượng sản xuất”. XHCN được hình thành trên nền đại sản xuất (hơn cả chủ nghĩa tư bản hiện nay), trong khi Việt Nam những năm 70, 80 quá lạc hậu.

Công nghiệp tập trung vào công nghiệp nặng, ít chất xám, hiệu quả thấp, nông nghiệp có thể tóm tắt “con trâu đi trước cái cày theo sau”, dịch vụ hầu như trống trơn…

Nhưng, có một thứ còn quan trọng hơn, mô hình kế hoạch hóa tập trung kìm hãm sức lao động, vì quan hệ phân phối bất hợp lý “không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng”.

Không ai muốn giải phóng hết sức lao động khi thành quả được chia đều cho tất cả, đó là lý do giản đơn giữa đồng ruộng phản bác lại tất cả lý luận cao siêu có phần khiên cưỡng, máy móc.

Vì 3 lý do:

Thứ nhất: Lực lượng sản xuất có vai trò quyết định đối với sự hình thành, biến đổi và phát triển của lực lượng sản xuất; Thứ hai: Nếu quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất sẽ tạo động lực phát triển; Thứ 3: Ngược lại nếu quan hệ sản xuất không phù hợp với lực lượng sản xuất sẽ gây trì trệ.

Lưu ý rằng, lực lượng sản xuất là yếu tố động, trong khi quan hệ sản xuất chậm thay đổi, nên thường hay mâu thuẫn nhau. Đặc điểm này đòi hỏi các nhà quản lý luôn luôn tìm cách giải quyết mâu thuẫn đó.

Mọi mục tiêu phát triển được gắn với các mốc thời gian mà chúng ta từng tự tin công bố liệu có xuất phát từ thực trạng lực lượng sản xuất đang ở trình độ nào? Nếu cứ “túm tóc lôi cổ” quan hệ sản xuất lên thật cao ắt thất bại.

Phải thành thật nhìn nhận rằng, nhân loại trải qua 3 cuộc cách mạng công nghệ, Việt Nam tận dụng được bao nhiêu? Hay nói cách khác lực lượng sản xuất của nước ta đang ở mức nào?

Nếu không giải quyết được câu hỏi trên mà hô hào “hội nhập, 4.0” thì e rằng khó. Vậy nên, đầu tiên hãy đầu tư “nâng cấp” con người thông qua nền giáo dục; xây dựng lĩnh vực kinh tế sáng tạo (không phải bất động sản, địa ốc và sốt đất, chứng khoán ảo, dựa vào gia công, xuất khẩu…)

Từng bước hiện đại hóa tư liệu lao động, có như vậy mới mong kích thích lực lượng sản xuất, giải phóng sức lao động.

Trong quan hệ sản xuất, hiện nay nổi lên quan hệ sở hữu, người lao động là chủ sở hữu, có quyền sở hữu chi phối nhưng chỉ làm công ăn lương, chế độ lương lại không hợp lý, không phản ánh đúng số lượng và chất lượng lao động. Dẫn tới tình trạng đơn vị kinh tế mất tính chủ động sáng tạo, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả nhưng không ai chịu trách nhiệm…

Kinh tế tư nhân là nút thắt cần cởi để giải phóng sức lao động

Kinh tế tư nhân là nút thắt cần cởi để giải phóng sức lao động

Đang nói về sở hữu nhà nước - vậy nên, cổ phần hóa, kêu gọi nhường sân cho tư nhân là cách làm đúng đắn để giải phóng sức lao động. Dù muộn nhưng chúng ta đã đánh giá và xác định lại “kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế”.

Năng suất lao động kém, trong khi đó “thu nhập trung bình” trở thành cái bẫy nguy hiểm, trong đó không thể thấy đại bộ phận người nghèo đang được chia “GDP danh nghĩa”.

Trên bình diện thực tiễn, những sai lầm trước đổi mới có nguyên nhân trực tiếp từ năng suất lao động thấp, điều này thoạt đầu do chúng ta nhận thức chưa đầy đủ quy luật.

Quy luật “Quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất” cung cấp cho các nhà hoạch định cái nhìn thực tế hơn về các mục tiêu phát triển; làm sao để giải phóng sức lao động; tác động vào đâu để có kết quả tốt nhất…

Bài 3: Kinh tế tư nhân

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[Giải bài toán năng suất lao động] Bài 2: Từ quy luật “công cụ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO