Bộ Công Thương đã có kiến nghị Chính phủ một số biện pháp nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu, trong đó cân nhắc giảm các loại thuế, phí và nhấn mạnh đến việc giảm thuế bảo vệ môi trường.
>> Giá xăng dầu tăng “phi mã” đe dọa đà phục hồi kinh tế
Giá xăng dầu thế giới đang ở giai đoạn tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu lạc quan, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đều cho rằng, điều này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước sau đại dịch. Theo đó, sau kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 10/11, giá bán các mặt hàng xăng dầu đều tăng cao, đặc biệt, giá xăng RON 95 tăng liên tiếp trong 5 lần điều chỉnh vừa qua, tiến sát ngưỡng 25.000 đồng/lít. (Cập nhật đến ngày 25/11, với xu hướng điều chỉnh của giá xăng dầu thế giới, dự báo trong kỳ điều chỉnh mới giá xăng dầu sẽ giảm nhưng vẫn ở mức cao). Bộ Tài chính cho biết đang thực hiện theo thẩm quyền, nghiên cứu đề xuất giảm thuế, phí để ghìm đà tăng của giá xăng dầu.
Giá xăng dầu tăng cản trở phục hồi sản xuất?
Ông Cao Việt Tú, Hợp tác xã Vận tải Hồng Hà, bến xe Mỹ Đình cho biết, diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên việc vận tải hành khách chưa thể trở lại như trước kia. Các tuyến xe đều có rất ít khách, chỉ những trường hợp thật cần thiết mới đi xe, trong khi chi phí xăng dầu tăng, làm đội lên chi phí vận hành của các doanh nghiệp, khiến cơ hội phục hồi càng giảm sút.
Còn theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Logistics Việt Nam đánh giá, mức tăng của giá xăng dầu hiện nay là mức cao nhất trong vòng 7 năm qua và sẽ phản ánh vào chi phí vận tải nội địa, hay vào các cước vận chuyển quốc tế thông qua các phụ phí xăng dầu. Việc này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến các hoạt động của các doanh nghiệp logistics và cụ thể là chi phí sẽ tăng, gánh nặng sẽ đặt lên vai các công ty xuất nhập khẩu cũng như nền kinh tế.
Phân tích về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, giá xăng dầu tăng làm nổi cộm lên 3 vấn đề đó là:
Thứ nhất, tác động trực tiếp đối với một số doanh nghiệp phải sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, kể cả phân bón trong lĩnh vực nông nghiệp cũng phải sử dụng lượng xăng dầu tương đối nhiều.
Thứ hai, là khiến giá cả đầu vào và sắp tới có thể là giá cả đầu ra, bán hàng cũng sẽ bị tăng lên, vừa tăng chi phí cho doanh nghiệp, người dân, vừa tạo áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm, cũng như trong nửa đầu năm 2022.
Thứ ba, từ các tác động trên sẽ góp phần cản trở quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Từ đầu năm 2021 đến nay, qua nhiều lần điều chỉnh, giá xăng dầu vẫn luôn ở trong xu hướng tăng giá. Tại Việt Nam, có hai yếu tố quyết định đến giá xăng dầu đó là quỹ bình ổn xăng dầu và thuế, trong khi quỹ bình ổn đã cạn kiệt do chia liên tục trong thời gian vừa qua. Chính vì thế để ghìm giá xăng dầu trong nước, thì phương án điều tiết thuế phí được các chuyên gia nhắc đến như một giải pháp hạ nhiệt giá cả mặt hàng thiết yếu này.
Trong cơ cấu hình thành giá xăng dầu hiện nay, thuế và phí chiếm hơn 40 %, cụ thể cơ cấu giá xăng được cộng bởi 8 khoản gồm: Thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, giá nhập về Việt Nam , lợi nhuận định mức, chi phí định mức, quỹ bình ổn giá xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SBLaw, lĩnh vực xăng dầu ở Việt Nam hiện nay gánh rất nhiều khoản thuế phí, cho nên khi giá xăng dầu thế giới tăng, nhưng các mức thuế, chi phí vẫn giữ nguyên dẫn đến giá xăng dầu tăng lên và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 nhiều khó khăn này.
Tuy nhiên, nếu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực, mức thuế này được đánh giá vẫn đang ở mức thấp khi nhiều nước đã vượt ngưỡng 50%. Tỷ lệ thuế trên giá xăng của các nước trong khu vực và có quan hệ kinh tế lớn với Việt Nam như Campuchia vào khoảng 49%, Lào 56,5%, Philippines 49,5%, Trung Quốc 52%, Hàn Quốc 63,18% và Singapore 67%.
Vừa qua, báo cáo của Liên Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới đã tăng từ 35 - 43 % trong giai đoạn này, nên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đã sử dụng quỹ bình ổn giá theo hướng linh hoạt, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng khoảng 30%, thấp hơn so với đà tăng trên thế giới.
Tuy nhiên theo thống kê của hơn 40 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, hiện quỹ bình ổn xăng dầu đang âm hơn 1.400 tỷ đồng và thời điểm hiện tại không thể trông chờ vào quỹ bình ổn, mà phải tính toán các biện pháp cao hơn, như giảm từ 10-30 % các loại thuế phí cấu thành vào giá xăng.
>> Sớm giảm thuế, phí để “hạ nhiệt” giá xăng dầu
Giảm thuế nào hợp lý?
Trao đổi với báo giới, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ cũng đã có báo cáo Chính phủ kiến nghị một số biện pháp, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét cân nhắc để giảm các loại thuế, phí, trong đó nhấn mạnh đến việc giảm thuế bảo vệ môi trường.
Hiện nay, trong số các loại thuế phí cấu thành nên giá xăng không thể giảm thuế nhập khẩu, bởi theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, mức thuế này sẽ giảm dần về 0%. Trong khi đó, theo Nghị quyết số 406/NQ/UBTVQH15 mới đây có giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hàng hóa dịch vụ, thì mặt hàng xăng dầu không được đề cập đến. Cho nên giảm thuế bảo vệ môi trường (hiện chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11 - 20 % đối với mặt hàng dầu) và thuế tiêu thụ đặc biệt đang là phương án tối ưu được các Bộ ngành và chuyên gia đề xuất.
Ông Trần Duy Đông phân tích: “Thuế bảo vệ môi trường hiện nay đối với mặt hàng nhiên liệu sinh học E5 có thể nói được tính một cách rất cứng nhắc, cơ học, là bằng 95% thuế bảo vệ môi trường, áp dụng đối với xăng RON 92. Như vậy, nó chưa đúng với mục tiêu là bảo vệ môi trường, mà thực tế nhiều nước khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường, họ tính theo mức giảm phát thải carbon mà các nhà khoa học đã chứng minh, kể cả trong nước và quốc tế đối với nhiên liệu sinh học khi có 5% ethanol, sẽ giảm thải so với khoảng 60-70%. Vì vậy chúng tôi kiến nghị về các khoản thuế, đặc biệt với thuế bảo vệ môi trường”.
Mới đây Chính phủ Hàn Quốc tạm thời giảm 20% thuế đối với xăng dầu Diesel và khí hóa lỏng (LPG) được duy trì trong 6 tháng, nhằm giảm bớt tác động xấu của giá dầu tăng cao đối với lạm phát tiêu dùng và đời sống người dân. Giảm thuế nhiên liệu dự kiến sẽ là, nguồn thu thuế của Chính phủ nước này giảm 2.500 tỷ Won (2,1 tỷ USD) trong khi tỷ lệ lạm phát giảm 0,33 điểm phần trăm.
Có thể thấy, phương án giảm thuế là khả thi đối với Việt Nam, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế quốc gia khi giảm thiểu chi phí sản xuất, kinh doanh, qua đó trực tiếp giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, khi Nhà nước đã ban hành các sắc thuế thì phải đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, do đó việc dùng thuế để điều chỉnh giá cũng cần phải cân nhắc kỹ.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 14/11/2021
04:30, 11/11/2021
11:00, 16/11/2021
04:00, 10/11/2021