Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn Nghệ An nhìn chung còn yếu và thấp hơn mức trung bình cả nước, chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
uGiai đoạn từ năm 2014 đến 2018, Nghệ An đã thu hút được 690 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 143.000 tỷ đồng, trong đó có 150 dự án lớn có quy mô trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu hút FDI còn thấp, chỉ có 40 dự án với hơn 9.500 tỷ đồng, chiếm 5,6% về số lượng và 13,3% số vốn đăng ký. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xuất phát điểm kinh tế Nghệ An còn thấp; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI... Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân không thể không đề cập tới là ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh chưa phát triển mạnh.
Vai trò của CNHT và thực trạng tại Nghệ An
CNHT đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và các ngành công nghiệp nói riêng, đặc biệt đối với một quốc gia đang dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như nước ta. Ngoài việc nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp và gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính, CNHT còn mở rộng khả năng thu hút FDI, phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đảm bảo tính chủ động cho nền kinh tế, góp phần cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, các bán thành phẩm ngay trong nội địa mà không bị lệ thuộc các yếu tố bên ngoài.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 21/02/2019
11:30, 27/12/2018
07:00, 25/12/2018
16:32, 23/12/2018
15:22, 22/12/2018
04:17, 20/12/2018
10:24, 19/12/2018
CNHT đang nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ từ Trung ương thông qua các chính sách, cơ chế ưu đãi và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, CNHT trên địa bàn Nghệ An nhìn chung còn yếu và thấp hơn mức trung bình cả nước, chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp CNHT trên từng ngành, lĩnh vực còn ít, quy mô còn nhỏ lẻ và chưa phát triển, thiếu định hình, yếu cả về năng lực vốn, công nghệ lẫn năng lực sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp này chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ mới xuất hiện một số nhóm ngành CNHT chủ yếu như: Sản xuất linh kiện, phụ tùng kim loại; sản xuất bao bì; sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp hỗ trợ dệt may... Tuy nhiên, số lượng và quy mô các doanh nghiệp còn khá khiêm tốn. Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, tính đến hết năm 2017, các ngành CNHT tỉnh Nghệ An có khoảng 85 doanh nghiệp, chiếm 24,15% số doanh nghiệp trong các ngành có CNHT và chỉ chiếm 7,6% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp.
Cụ thể, CNHT ngành cơ khí, chế tạo hiện nay còn yếu, không đáp ứng được về số lượng, mẫu mã lẫn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là trong các lĩnh vực đóng tàu, điện, xi măng; CNHT ngành sản xuất phụ tùng điện, linh kiện điện tử, CNTT, viễn thông chậm phát triển và rất yếu kém.
Ngành dệt may - da giày vốn là ngành chủ lực, tạo nhiều việc làm, mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho tỉnh nên những năm gần đây đã thu hút được nhiều dự án lớn. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp dệt may - da giày của Nghệ An phần lớn là gia công nên nguồn nguyên phụ liệu phải phụ thuộc vào sự chỉ định của nhà nhập khẩu nên CNHT ngành này không được quan tâm, đầu tư vì không có lãi; lĩnh vực CNHT sản xuất bao bì, in ấn và tem nhãn có khoảng 20 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp trong nước với quy mô nhỏ và vừa.
Giải pháp nào cho ngành CNHT tỉnh Nghệ An
Về cơ bản, Nghệ An còn nghèo và xuất phát điểm kinh tế thấp, thu hút FDI nói riêng và các dự án lớn nói chung, mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng chưa thực sự có hiệu quả ngay, thiếu ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra.
Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến CNHT kém phát triển. Muốn ngành CNHT phát triển trong tương lai, chính quyền cần đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, tạo lập môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, ổn định, lành mạnh, bình đẳng với doanh nghiệp nhằm thu hút hiệu quả hơn nữa các dự án lớn, bền vững.
Bên cạnh đó, chính quyền cần có cái nhìn đúng đắn hơn nữa về tiềm năng và sức mạnh của khối kinh tế tư nhân cũng như có nhiều chính sách hợp lý về cơ chế, tài chính, quy hoạch hạ tầng, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để hỗ trợ và song hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Thông qua các tổ chức đại diện doanh nghiệp, cần gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là các DNNVV với các doanh nghiệp FDI nhằm tạo niềm tin, từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.
Đặc biệt, chính quyền cần có các chính sách, cơ chế thực sự phù hợp hơn nữa, đặc biệt là sự bứt phá, đổi mới tư duy lãnh đạo của các cấp chính quyền để làm động lực phát triển mới cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành CNHT tỉnh nhà.