Không chỉ là hỗ trợ về nguồn lực thông qua cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mà cần hướng đến sự lan tỏa và sự chia sẻ.
Đây là hướng đi của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong thời gian tới mà ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra.
- Thưa ông, làm thế nào để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng được các chính sách hỗ trợ chứ không chỉ có doanh nghiệp FDI như hiện nay?
Đây là câu hỏi chứa đựng những nội dung lớn với hàng loạt vấn đề trong các chính sách của nhà nước với nhiều lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, những vấn đề lớn sẽ được tập trung thời gian tới cho CNHT là cơ chế chính sách. Chúng ta đã có rất nhiều chính sách, ví dụ Nghị định 111/2015 về hỗ trợ phát triển CNHT, Luật DNNVV, nhưng khi thực hiện đều có vướng mắc.
Có thể bạn quan tâm
15:22, 22/12/2018
04:17, 20/12/2018
10:24, 19/12/2018
09:56, 19/12/2018
06:30, 19/12/2018
16:00, 18/12/2018
01:36, 16/12/2018
Cùng với đó là sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương trong quan điểm phát triển, để đảm bảo CNHT của chúng ta phát triển một cách bền vững. Nhưng phải tạo ra những bước đi đột biến trong thu hút và tạo điều kiện cho CNHT phát triển.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có cách nhìn tổng thể và toàn diện với CNHT, phải nhìn sâu vào vấn đề tái cơ cấu lại nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành công nghiệp và thương mại. Nếu không có chủ trương lớn trong tái cơ cấu nền kinh tế thì CNHT cũng chỉ phát triển đơn lẻ và đạt kết quả từ một số chính sách đặc thù. Vì chúng ta đang phải đối diện với 3 vấn đề cơ bản: hội nhập sâu rộng với thế giới; 4.0 và kinh tế số; những khuôn khổ, cục diện mới của thế giới trong tất cả các khía cạnh và lĩnh vực.
- Với vai trò chủ đạo, nhiệm vụ tới đây Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ CNHT sẽ như thế nào, thưa ông?
Trước hết, chúng ta phải thống nhất những nhiệm vụ và giải pháp có tính chất ưu tiên. Thứ nhất là hoàn thiện về mặt thể chế, trong đó bao gồm khung khổ pháp luật và chính sách phải đồng bộ và toàn diện. Thứ hai, quan điểm chỉ đạo phải xuyên suốt và thống nhất. Thứ ba là kiểm tra giám sát, đôn đốc thường xuyên thực hiện. Thứ tư là sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Đối với Bộ Công Thương, ngoài những nhiệm vụ đó, chúng tôi còn có những công việc rất cụ thể, xác định một số ngành công nghiệp trọng điểm cần ưu tiên, cần phải tăng cường phát triển và phát triển đột biến của CNHT nhằm mang lại động lực thúc đẩy cho sự phát triển chung.
Một số ngành chúng tôi xác định rất rõ và được sự đồng ý của Chính phủ. Ví dụ ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, dệt may, da giày, năng lượng... Đây là những ngành chúng ta có tiềm năng, lợi thế và dung lượng thị trường. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải hình thành những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cho CNHT, trước tiên là tại 3 trung tâm kinh tế lớn của cả nước là khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Những trung tâm này không chỉ giới thiệu công nghệ và hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ thông qua khuôn khổ hợp tác quốc tế và chính phủ nói chung, mà còn có trách nhiệm hỗ trợ cho sự phát triển R&D. Từ đó các trung tâm này đóng góp vào giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp của Việt Nam.
- Có rất nhiều đề xuất về vai trò Nhà nước hỗ trợ đối với những doanh nghiệp “đầu tàu”, thưa ông?
Với những doanh nghiệp đầu tàu thì vai trò đặt ra sẽ rất lớn, và chúng tôi tin tưởng bản thân họ cũng ý thức và có trách nhiệm với quốc gia, xã hội và nền kinh tế. Tạm gọi một số doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp cơ khí ô tô như Trường Hải, VinFast.. chúng tôi nhận thấy được ý thức và sự chuyển động của họ rất mạnh mẽ.
Chính phủ đã có những có chế chính sách rất cụ thể để ưu đãi và hỗ trợ họ thông qua quy mô dự án. Nhưng, thời gian tới cần phải đi vào sâu hơn nữa trong hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT. Ở đây không chỉ là hỗ trợ về nguồn lực thông qua cơ chế, chính sách mà cần hướng đến sự lan tỏa và sự chia sẻ.
Đặc biệt, có một số vấn đề Chính phủ và các bộ ngành cần phải làm ngay như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt... để thúc đẩy các giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế...
- Trân trọng cảm ơn ông!
TS Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Mục tiêu vẫn nằm trên giấy Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa và phải đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa vào năm 2025. Mục tiêu phát triển CNHT đã được quy định rất rõ, nhưng đáng tiếc đến tận bây giờ, các bộ, ngành vẫn chưa ban hành đầy đủ hướng dẫn thi hành. Do thiếu hướng dẫn cụ thể, đồng bộ, nên mục tiêu phát triển CNHT vẫn nằm trên giấy. TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM: Thành lập trung tâm liên kết doanh nghiệp Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu năng lực công nghệ và thiếu sự liên kết. Ngoài ra, năng lực cung cấp các sản phẩm trung gian của Việt Nam còn yếu về chất lượng, giá thành và thời gian. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Chúng ta nên loại bỏ bớt các trung tâm trợ giúp, thành lập một trung tâm hỗ trợ có tính liên kết ở nhiều địa phương và có sự tham gia của nhiều bên. |