"Cần tiếp tục thay đổi nhận thức về kinh tế tư nhân; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng... để từ đó tạo lực đẩy giúp doanh nghiệp tư nhân ngày một lớn mạnh".
Doanh nhân Bùi Minh Lực, Chủ tịch CLB CEO Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình Minh chia sẻ quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Lực cho biết, Khởi nguồn từ Công ty TNHH Hòa Bình tỉnh Yên Bái thành lập từ năm 1993, sau 25 năm, Tổng Công ty Hoà Bình Minh đã khẳng định sự đóng góp của kinh tế tư nhân trong sự phát triển của địa phương, đất nước.
Thời điểm TNHH Hòa Bình tỉnh Yên Bái thành lập cũng là giai đoạn nền kinh tế đất nước mới chuyển từ thời kỳ bao cấp sang thời kỳ đổi mới, tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.
“Vật liệu xây dựng” làm nền
- Ở giai đoạn đầu chuyển đổi, ngay cả các doanh nghiệp nhà nước còn bỡ ngỡ, thì việc thành lập một doanh nghiệp tư nhân như Công ty TNHH Hòa Bình ở một địa phương có thể coi là vùng sâu vùng xa như Yên Bái, hẳn là một quyết định táo bạo, nếu không muốn nói là liều, thưa ông?
Nói là liều thì không hẳn, vì chúng tôi có cơ sở. Luật Doanh nghiệp Tư nhân và Luật Công ty được ban hành năm 1990, dù còn sơ sài và thiếu sót, đã mở ra hành lang “mới” về thể chế cho khu vực tư nhân.
Về mặt thị trường, ngoài việc dỡ bỏ chế độ bao cấp, hai giá và ngăn sông cấm chợ, Việt Nam bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1994 và gia nhập ASEAN năm 1995, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
- Tại sao ông lại chọn xuất phát điểm từ kinh doanh vật liệu xây dựng mà không phải những lĩnh vực liên quan đến các mặt hàng thiết yếu, như sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp thời đó?
Đúng là các doanh nghiệp thành danh ở thời kỳ này phần lớn tập trung vào sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, đồ sinh hoạt thiết yếu, hay quần áo... Đây cũng là lựa chọn tự nhiên vì sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu không cần đầu tư lớn mà lại dễ tiêu thụ khi thị trường đang đặc biệt khan hiếm, do hậu quả méo mó của cơ chế kinh tế tập trung để lại.
25 % là mức tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm của Hòa Bình Minh. Trong đó, năm 2018, doanh thu đạt 16.500 tỷ đồng.
Bản thân tôi, trước đây cũng từng làm trong Cty kinh doanh ngành hàng công nghệ thực phẩm với rất nhiều bạn bè thân thiết trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tôi muốn chọn một lĩnh vực khác để tránh cạnh tranh với những người thân.
Và chúng ta có thể thấy, xây dựng hạ tầng cơ sở… luôn là nền tảng cho phát triển. Và tất nhiên, không thể thiếu vật liệu xây dựng.
- Được biết, khi mới thành lập, Cty ông chỉ có 8 thành viên, nhờ đâu mà Hòa Bình Minh đã trở thành một Tổng Công ty kinh doanh đa ngành nghề, khẳng định được vị thế và thương hiệu trên các lĩnh vực: vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô, xe máy…?
Nhờ định hướng đúng, sẵn sàng nhập cuộc cạnh tranh, vừa xây dựng, vừa kinh doanh, tạo dựng uy tín, lựa chọn cách làm theo nguyên tắc “Kinh doanh - Tích luỹ - Tăng năng lực - Mở rộng, phát triển”.
Công ty nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, cung cấp vật liệu xây dựng cho nhu cầu của tỉnh Yên Bái và các tỉnh miền núi phía Bắc. Nắm bắt cơ hội, dự báo thị trường, Công ty đã trở thành nhà phân phối ủy nhiệm của các hãng sản xuất xe máy hàng đầu như Honda, Yamaha. Với uy tín, lợi thế tại tỉnh Yên Bái Tổng Công ty đã xây dựng dự án khách sạn, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tạo điểm sáng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
- Cách phát triển như ông nói, có thể ví như “vừa chạy, vừa xếp hàng”?
Thực tế, ở các nước tiên tiến với nền kinh tế phát triển thì quy trình điều hành, quản trị kinh doanh đã định hình và đến mức độ chuyên nghiệp và bài bản. Tuy nhiên, ở một đất nước còn bị ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh, vừa thoát khỏi cơ chế quan liêu bao cấp, mọi thứ đều rất mới như Việt Nam, doanh nghiệp cũng như tổ chức, hay kể cả cá nhân, với tiềm lực cả về tài chính, con người còn hạn chế, thì vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh, như bạn nói “vừa chạy, vừa xếp hàng” là phương thức phù hợp, hiệu quả.
- Nhưng sẽ không tránh khỏi rủi ro, thưa ông?
Tất nhiên. Cơ hội luôn song hành với rủi ro. Nhất là trong kinh doanh. Ngay trong lúc tưởng như thuận lợi, thì giữa vùng trời rộng lớn trong xanh, giông tố có thể ập tới bất cứ lúc nào.
Vượt bão
- Ông muốn nói đến giai đoạn 2008 – 2012 được coi là khoảng thời gian cực kì khó khăn với Hòa Bình Minh?
Đúng như vậy. Đây được coi là khoảng thời gian cực kì khó khăn với Hòa Bình Minh: Cơn bão số 4 càn lướt qua cơ sở vật chất dự án nông nghiệp cao của Tổng công ty tại Yên Bái gây ra những thiệt hại nặng nề. Cùng lúc đó, cơn bão giá sản phẩm thép năm 2008 đã lấy đi nhiều tỷ đồng hàng hoá của công ty. Lãi xuât ngân hàng tăng cao từ 15-20% cùng với suy thoái kinh tê toàn cầu, kinh tế Việt nam rơi vào thời kỳ khó khăn nhất nhiều dự án của tổng công ty dừng lại.
- Tôi tò mò về cách vượt bão của Hòa Bình Minh?
Tôi muốn chia sẻ cách Hòa Bình Minh vượt qua khó khăn thời kỳ này và cũng là cách quản lý rủi ro khi khởi nghiệp dành cho startup hiện nay. Có thể nói đó là quyết định lịch sử, thay đổi vận mệnh của Hòa Bình Minh đó là: Tái cấu trúc thí điểm hệ thống khu vực miền Bắc.
Đây chính là bước đi có ý nghĩa quyết định giúp Hòa Bình Minh vượt qua giai đoạn khủng hoảng, đồng thời đã tạo ra 1 động lực to lớn, thúc đẩy sự phát triển của Tổng công ty sau này. Vượt qua đà suy thoái, năm 2013, với lực đẩy tái cấu trúc, Hòa Bình Minh đã có những bước tăng tốc, đột phá, liên tục phát triển và mở rộng tất cả các ngành hàng: xe máy, ô tô, thép...
- Được biết, Tổng công ty vừa ký kết hợp đồng với Công ty tư vấn tài chính Deloite về việc tái cấu trúc?
Đừng nghĩ tái cấu trúc chỉ thực hiện khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng. Ngay trong giai đoạn này, khi đang phát triển tốt, tháng 10 năm 2018 , Tổng công ty đã ký kết hợp đồng với Công ty tư vấn tài chính Deloite về việc tái cấu trúc tiến tới mô hình quản trị theo hệ thống và mục tiêu, chuẩn bị sẵn sàng nội lực cho những mục tiêu chiến lược mới. Trong đó, năm 2018 là một năm đốt phá của thời kỳ phát triển tăng tốc của Tổng công ty Hoà Bình Minh.
Ngày 26/12/2018, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Yên Bái ký giấy phép thành lập tập đoàn HBM tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái – nơi cách đây 25 doanh nghiệp được thành lập.
Từ đây mở ra sự hợp tác mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế, ứng dụng công nghệ cao vào kinh doanh và quản lý vận hành. Hòa Bình Minh đã chuẩn bị được nguồn nội lực vững vàng, sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới của tập đoàn: bứt phá -vươn xa bay cao trong thời đại kinh tế trí thức hội nhập toàn cầu.
- Là một doanh nghiệp tư nhân, có thể nói đã gặt hái được không ít thành công. Và hiên tại ông cũng là Chủ tịch CLB CEO Hà Nội, ông có đề xuất gì để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt ra?
Trong tất cả các nền kinh tế, không phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế của quốc gia, kinh tế tư nhân luôn tồn tại. Sự khác biệt chỉ là vị trí, vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Ở Việt Nam, theo tôi, cần tiếp tục thay đổi nhận thức về kinh tế tư nhân; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động...
- Xin cảm ơn ông!