Theo chuyên gia, việc tồn tại nhiều ngân hàng tư nhân hiện nay làm tăng rủi ro và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu, vì thế, cần giảm bớt khối lượng ngân hàng và tạo ra sức mạnh cho họ.
>>Mua bán nợ xấu "bít đường", ngân hàng và VAMC ráo riết tìm lối thoát
Doanh nghiệp vẫn khó dòng tiền
Theo cáo tài chính quý 3/2021 của 27 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, số dư nợ xấu đã tăng lên 113.006 tỷ đồng. Vào thời điểm 30/9, nợ xấu đã cao hơn 26% so với đầu năm, chất lượng nợ vay của tất cả các ngân hàng đều đi lùi với ba ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước bao gồm Vietcombank, ViettinBank và BIDV. Tổng nợ xấu nội bảng vào cuối năm nay tăng hơn 40% lên hơn 50.400 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Có thể thấy, Nghị quyết số 42/2017 của Quốc Hội sau hơn 4 năm đi vào thực tiễn đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Cụ thể, các tổ chức tín dụng được phép quyết định biện pháp xử lý nợ xấu, bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay. Đây là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, là cơ sở để các tổ chức đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, tiết giảm chi phí,... tuy nhiên việc xử lý nợ vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó hiệu trưởng trường ĐH Tài chính Marketing đánh giá, Nghị quyết 42 đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, không phải chỉ với bản thân các ngân hàng thương mại, mà liên quan đến các chủ thể khác như các bộ máy chính quyền, các cơ quan tư pháp, luật pháp. Ví dụ như phát mãi tài sản liên quan đến chính quyền địa phương, tòa án, thậm chí là công an, do đó, khuôn khổ pháp lý bước đầu đã được tháo gỡ và tác động khá tích cực đến vấn đề giảm nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
“Tuy nhiên, có một số vấn đề liên quan đến phát mãi tài sản có tranh chấp dân sự, có những tài sản đảm bảo đang bị tranh chấp thì phát mãi giải quyết như thế nào, hoặc những vấn đề liên quan đến thuế, hướng dẫn về chính sách thuế vẫn chưa cụ thể, chưa chi tiết, nên vẫn còn những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Hiến nêu.
Vừa qua, trong suốt thời gian giãn cách xã hội, các cơ quan chức năng đều phải tập trung cho công tác phòng chống dịch, nên hỗ trợ cho các ngân hàng đều bị hạn chế. Hiện nay, dù các hoạt động đã trở lại bình thường, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ, tốc độ thu nợ đang chậm lại. Theo ước tính của các chuyên gia, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên 3% vào cuối năm nay, ước tính có thể tăng lên 4,5% trong năm tới. Cuộc chiến chống COVID-19 xác định sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường, cho nên, các doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ phá sản, đóng cửa.
>>Luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu theo hướng rút gọn thủ tục
Cần cơ cấu lại các tổ chức tín dụng
Trao đổi với báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn hệ thống ngân hàng tốt, thì phải cải thiện doanh nghiệp, mà muốn cải thiện doanh nghiệp, thì phải cải thiện doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng trong đó, Chính phủ cần có chiến lược chính sách rõ ràng, cụ thể.
“Ngoài ra, bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải đưa ra các chương trình tái cơ cấu lại mình theo hướng Basell II, nghe có vẻ “to phe”, nhưng thực ra vẫn chỉlà vấn đề vốn.Nghĩa là tỷlệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng phải ở mức đâu đó 10%, trong đó vốn cấp một là vốn chủ sở hữu thực sự, phải chiếm tới 6%; 2% là cho các vốn vay dài hạn, được tính vào vốn cấp hai và đồng thời phải có 2% vốn đệm, nhằm giảm xóc trong những trường hợp có rủi do tài chính xuất hiện”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Hiện nay, tiến trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đang được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thúc đẩy quyết liệt, trong đó, xử lý nợ xấu là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, sự ấm lại của thị trường bất động sản và Nghị quyết 42 của Quốc hội đã phát huy tác dụng khá mạnh. Các ngân hàng của Việt Nam trong thời gian gần đây dựa vào đó để giải quyết được khá nhiều nợ xấu, đặc biệt Nghị quyết 42 có hai vấn đề lớn bao gồm: Thứ nhất, là tăng cường quyền của chủ nợ và Thứ hai, là hạch toán hoàn lại lãi dự thu cho các khoản nợ xấu, khiến các ngân hàng mạnh dạn phát mãi tài sản thu hồi nợ chính, vì vậy tạo ra một bước đột phá về xử lý nợ xấu trong các ngân hàng thương mại.
“Thực tế, việc tồn tại nhiều ngân hàng tư nhân hiện nay cũng làm tăng rủi ro và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu. Vì vậy,để nhiều ngân hàng tư nhân có mặtkhông phải là một chiến lược đúng đắn,mà nên giảm bớt khối lượng ngân hàng và tạo ra sức mạnh cho họ, để giảm thiểu các rủi ro có thể có từ phía người gửi tiền”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần xác định mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại về tài chính hoạt động quản trị của tổ chức tín dụng theo các hình thức, biện pháp và lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của mỗi tổ chức, phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững ổn định an toàn hệ thống. Mặt khác, tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu.
Có thể bạn quan tâm
04:50, 26/11/2021
05:30, 13/11/2021
05:30, 12/11/2021
16:40, 11/11/2021
15:05, 13/09/2021
05:00, 06/09/2021