Nhiều quốc gia đang và sẽ áp dụng chỉ số lượng phát thải carbon trên từng sản phẩm. Hàng hoá có lượng phát thải carbon càng ít thì càng có tính cạnh tranh cao.
>>>Truy xuất “dấu chân carbon” tạo chỗ đứng cho tôm sinh thái
Hơn 2 thập kỷ trước, cùng với nhiều bà con trong tỉnh Bình Thuận, bà Lê Phương Chi - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 đã triển khai trồng thanh long thay thế cho các cây trồng kém năng suất và hiệu quả hơn. Nhờ giá trị kinh tế cao, diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận đã được mở rộng. Ở thời hoàng kim, thanh long được xếp vào danh sách trái cây tỷ USD.
Theo bà Lê Phương Chi, lâu nay thanh long vẫn được trồng theo cách truyền thống. Từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa khô ở các tỉnh Nam Trung Bộ với đặc điểm: ngày dài, số giờ nắng nhiều, cây thanh long tự đơm hoa kết trái. Qua mùa lạnh, ngày ở đây ngắn, còn đêm thì dài, cây không tự đơm hoa kết trái, người nông dân phải chong đèn dây tóc 20 - 60w để lấy nhiệt bù đắp.
Trên những cánh đồng thanh long rộng lớn, trước đây hệ thống tưới theo hình thức kéo ống tới từng trụ vừa nặng vừa lãng phí nước. Tổng điện năng tiêu thụ cho tưới tiêu và thắp sáng vì thế cũng rất nhiều.
Dấu chân carbon trong quá trình nuôi trồng thanh long chỉ được giảm thiểu khi nhà nông thay đổi phương thức, thói quen. Những chiếc bóng đèn dây tóc tốn điện, dễ vỡ được thay thế bằng đèn LED 9w có trọng lượng nhẹ, độ bền cao; hệ thống tưới phun tiết kiệm thay cho tưới ống; điện mặt trời áp mái thay cho điện lưới; trồng cây lâm nghiệp trên bờ bao ruộng thanh long…
Bà Lê Phương Chi cho biết: tiền điện thấp, năng suất cao là những hiệu quả rõ rệt mà nhà nông nhìn thấy được. Sở dĩ trước đây, bà con e ngại thay đổi thói quen canh tác bởi chi phí bỏ ra cao mà không biết hiệu quả đầu tư ra sao. Từ những mô hình hiệu quả như cách mà Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 đã triển khai, bà Lê Phương Chi tin rằng, bà con sẽ thay thế dần dần.
>>>Một triệu héc ta lúa chất lượng cao: Hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải
Trong khi nhà nông từng bước thay đổi theo hướng xanh hoá sản xuất thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện chuẩn hoá, số hoá sản xuất cho phép theo dõi thời gian thực và truy cập vào số liệu thống kê cập nhật về lượng khí thải carbon. Theo ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử được thiết lập tại các hợp tác xã, doanh nghiệp thanh long đã mở rộng sang các loại cây trồng khác như táo, sầu riêng… Đây là nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao hướng đến các thị trường lớn dựa vào thế mạnh mới của hệ thống truy xuất nguồn gốc và dấu chân carbon.
Cùng với thanh long, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực khác như lúa gạo, tôm… đã và đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động chuyển đổi xanh, cắt giảm mạnh lượng phát thải khí carbon trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề khác trong các lĩnh vực như năng lượng, lâm nghiệp, công nghiệp… đã có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi sản xuất phù hợp với xu thế cắt giảm dấu chân carbon diễn ra mạnh mẽ.
Sau Liên minh châu Âu, mới đây, đại diện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ thông tin: các nghị sĩ của Mỹ đang đề nghị chính quyền nghiên cứu về mức phát thải với hàng hoá sản xuất và xuất khẩu. Dự luật này nếu được thông qua buộc các nước có trách nhiệm cao hơn với lượng khí thải.
Nguyên tắc, ai gây ô nhiễm người đó phải trả tiền ngày càng trở nên phổ biến hơn trong thương mại quốc tế. Sản phẩm, hàng hoá có hàm lượng carbon cao hơn quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ carbon. Ngược lại, giảm lượng khí thải carbon là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo hàng hoá, sản phẩm của duy trì tính cạnh tranh.
Đây cũng là lưu ý mà ông Hervé Conan - Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD Việt Nam) đưa ra với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là ở các thị trường lớn như châu Âu. Các doanh nghiệp cần được khuyến khích để “xanh hoá” phương tiện sản xuất, sử dụng công nghệ ít phát thải hơn để giảm thiểu dấu vết carbon.
Cách tiếp cận này không chỉ hướng đến các ngành công nghiệp mà các ngành nông nghiệp với các quy định gần đây liên quan đến chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng. Từ năm 2024 - 2025, các doanh nghiệp nhỏ khi xuất khẩu sang châu Âu phải chứng minh không được sản xuất ở khu vực phá rừng. Các sản phẩm như gỗ, cacao, cao su, cà phê cũng sớm liên quan đến quy định này.
Theo ông Hervé Conan, do tính chất địa hình, Việt Nam là một trong 5 khu vực trên toàn cầu dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng ít nhất 6 - 7%, sản xuất năng lượng tăng hơn 10%/năm khiến Việt Nam đối mặt với tình trạng phát thải khí nhà kính tăng.
Mức độ tác động biến đổi khí hậu phụ thuộc vào mức tăng nhiệt độ và khả năng của mỗi quốc gia có thể giảm thiểu phát thải hiệu ứng nhà kính. Người tiêu dùng, nhà nhập khẩu và nhà đầu tư ngày càng chú ý đến các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu và có thể bắt đầu bỏ rơi các quốc gia, ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao trong tương lai. Do đó, cần thay đổi thói quen ngay từ bây giờ để bẻ đường cong tăng trưởng CO2.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam cần chủ động đối phó với áp lực từ thuế carbon
16:18, 02/02/2024
Đề xuất ưu đãi thuế với hàng hoá carbon thấp, ít phát thải
03:00, 25/01/2024
11 dự án carbon đang tìm nguồn đầu tư 436 triệu USD
16:00, 24/01/2024
Phát triển thị trường carbon cho ngành gỗ
03:00, 11/01/2024
Thị trường lớn "đánh" thuế carbon và “ứng xử” cho doanh nghiệp Việt
02:00, 27/12/2023
Ngành nông nghiệp và bài toán chia sẻ năng lượng, giảm phát thải carbon
01:08, 02/11/2023
Áp lực của doanh nghiệp trước cơ chế điều chỉnh biên giới carbon
05:00, 31/08/2023
Thuế carbon EU có đáng ngại?
03:30, 22/08/2023
Phát triển nông nghiệp định hướng trung hoà carbon
15:54, 17/08/2023
Doanh nghiệp thép ứng phó với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon
01:00, 30/07/2023