Mặc dù đánh giá cao đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm, tuy nhiên, theo chuyên gia, điều quan trọng nhất cần cân đối mức lương hưu, đảm bảo mức sống tối thiểu…
>> Hai phương án tính lương đóng BHXH khu vực doanh nghiệp
Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có tờ trình Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ. Đáng nói, tại Dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đã đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Tổng kinh phí chi trả giai đoạn này là 131.940 tỷ đồng, trong đó, người rút phần lớn làm việc trong doanh nghiệp với gần 2,9 triệu (90,7%); tiếp đến là khu vực Nhà nước 257.000 người (8%) và lao động tham gia BHXH tự nguyện 38.800 người (1,2%).
Thống kê cũng cho thấy, người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%); nhóm từ 20 đến 30 tuổi chiếm 37,1%... Như vậy, người hưởng BHXH một lần từ trên 20-40 tuổi chiếm 77,5% tổng số người rút. Bên cạnh đó, tuổi bình quân hưởng BHXH một lần của nam, nữ và tổng số thời gian đóng BHXH bình quân đã có chiều hướng tăng lên hằng năm. Tuy nhiên, tuổi bình quân hưởng BHXH một lần của cả nam và nữ là thấp.
Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, ở giai đoạn còn trẻ, hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Thêm nữa, do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng BHXH một lần bình quân còn trẻ.
Trước đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến đánh giá, rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm rất thuận lợi cho người lao động, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn cần phải cân đối lại tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng 15 năm đóng để có mức sàn nhất định đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người về hưu.
>>Đâu là giải pháp căn cơ để ngăn “làn sóng” rút BHXH một lần?
Thông tin với báo chí về nội dung này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, chính sách về giảm điều kiện đóng BHXH để được hưởng lương hưu đã được khẳng định trong Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, nhằm tạo điều kiện để người lao động được thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách hưu trí, đảm bảo tính an sinh lâu dài.
Theo ông Lê Đình Quảng, rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm rất thuận lợi cho người lao động, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút BHXH 1 lần. Khi giảm số năm đóng BHXH, dù có mức hưởng lương hưu thấp thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động hơn là khi không có chế độ an sinh của Nhà nước. Điều quan trọng nhất vẫn cần phải cân đối lại tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng 15 năm đóng, làm sao để có mức sàn nhất định đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người về hưu.
“Nhiều người khi không đủ điều kiện hưởng hưu trí phải rời khỏi hệ thống bằng cách rút BHXH 1 lần, như vậy việc giảm số năm đóng là rất tốt. Tuy nhiên, ngoài việc giảm năm đóng sẽ cần nhiều chính sách khác đi kèm, hướng tới một hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt. Giảm năng đóng chỉ là điều kiện tối thiểu, nhưng vẫn cần khuyến khích người lao động có nhiều năm tham gia BHXH để có mức lương hưu cao”, ông Lê Đình Quảng chia sẻ.
Đồng quan điểm với vị chuyên gia này, trước đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong các chính sách an sinh xã hội cần tính đến nhiều yếu tố, đưa ra giải pháp đồng bộ, thậm chí mức tiền lương đóng BHXH cũng là vấn đề nên được xem xét sửa đổi lần này.
Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của Luật Lao động. Tuy nhiên, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH những năm qua tăng không đáng kể, chỉ tăng theo sự điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu vùng hàng năm. Khi thu nhập làm căn cứ đóng BHXH trong khu vực doanh nghiệp ở mức thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là hưởng lương hưu khi về già. Do đó, trong thời gian tới cần xem xét có những quy định để nâng dần mức đóng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề xuất, việc giảm năm đóng BHXH xuống còn 15 năm, vẫn có thể xem xét giảm mạnh hơn nữa để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động. Bởi, mục tiêu lớn nhất là đảm bảo chính sách BHXH đa dạng, đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập quốc tế và trên hết là đảm bảo quyền lợi chính sách an sinh cho người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Hai phương án tính lương đóng BHXH khu vực doanh nghiệp
12:17, 13/03/2023
Đâu là giải pháp căn cơ để ngăn “làn sóng” rút BHXH một lần?
04:00, 11/03/2023
BHXH Thái Bình: Áp dụng công nghệ số để hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân
00:06, 18/02/2023
Giảm số năm đóng BHXH - Lương hưu phải đảm bảo mức sống tối thiểu
04:00, 06/01/2023
Bình Phước: Nhân rộng mô hình tặng thẻ BHYT, sổ BHXH tự nguyện cho người nghèo
00:56, 20/12/2022