Một chính sách ban hành nhưng cơ quan thuế mỗi nơi hướng dẫn một kiểu. Hậu quả, nhiều doanh nghiệp phải chịu tổn thất, thay vì được hưởng ưu đãi để phục hồi sau dịch COVID-19…
>>Còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện giảm thuế VAT xuống 8%
Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn không rõ hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp có thuộc phạm vi các đối tượng không được áp dụng, như liệt kê tại các phụ lục kèm theo Nghị định 15/CP về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%; chưa nắm rõ cách tra cứu mã hàng hóa, dịch vụ, thời điểm áp dụng thuế suất giảm; việc tách hóa đơn khi bán nhóm hàng hóa, dịch vụ có cấu phần được giảm và không được giảm VAT; hàng hóa mua vào chịu thuế 10%, khi bán ra có được áp dụng 8%...
Trước thực tế trên, đại diện Deloitte Việt Nam cho biết: Công ty đã có những hướng dẫn sơ bộ cho các doanh nghiệp quan tâm tự xác định xem mã hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp có thuộc đối tượng giảm VAT, sơ bộ theo các bước: Xác định lĩnh vực và sản phẩm đang kinh doanh có thuộc danh mục 12 nhóm ngành, nghề loại trừ không; đối chiếu sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh với “Tên sản phẩm” trong các phụ lục của Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp khác không dám kinh doanh (do không thể quyết toán được thuế bởi sự chênh lệch VAT đầu vào và đầu ra), đành nằm im nhìn cơ hội đi qua.
“Chúng tôi chỉ mong có hướng dẫn thống nhất để thực hiện cho đúng. Kể cả không được giảm thuế, nhưng các địa phương áp dụng cùng mức thuế giúp doanh nghiệp có thể ghi hóa đơn và thanh toán hợp đồng. Tránh rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, tới kỳ có thể quyết toán được thuế. Việc mỗi nơi áp một mức thuế khác nhau dẫn tới cuối năm làm thủ tục quyết toán thuế rất rủi ro khi thuế đầu vào và đầu ra khác nhau”, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết.
Sau hơn một tháng áp dụng chính sách giảm thuế, theo TS Nguyễn Ngọc Tú, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, vướng mắc lớn nhất đối với doanh nghiệp là việc xác định thuế suất hàng hóa. Ví dụ đối với dịch vụ ăn uống, có cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn với thuế VAT là 8%.
Nhưng cũng có nhà hàng cho biết vì khách có dùng cả rượu và bia - mặt hàng không được giảm thuế VAT. Do vậy, kế toán đã phải tách hóa đơn riêng cho rượu bia với thuế VAT là 10%, còn đồ ăn là thuế 8%. Vậy xuất hóa đơn thế nào và thuế suất bao nhiêu là đúng?
>>Giảm VAT về 8%: Doanh nghiệp “bối rối"
Do đó, ông Tú đề nghị Bộ Tài chính cần hướng dẫn cụ thể và thống nhất việc giảm thuế theo nhóm ngành hay mặt hàng để doanh nghiệp thực hiện.
Doanh nghiệp kinh doanh bia rượu thì thuế suất mặt hàng này 10%. Nhưng đối với nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thuế suất của dịch vụ này là 8% hay 10% hay phải tách hóa đơn những mặt hàng được giảm thuế riêng?
"Giảm VAT chỉ trong 10 tháng nữa thôi nên Bộ Tài chính cần khẩn trương hướng dẫn ngay trong tháng 3 này. Nguyên tắc hướng dẫn phải rõ ràng, cụ thể, thống nhất và tạo thuận lợi cho người thực thi.
Đừng chi li quá như việc phải tách chai bia ra khỏi bàn ăn để tính thuế 10% khiến chính sách rối rắm, gây khó cho người thực hiện. Vì mục tiêu giảm VAT là kích cầu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh", ông Tú khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Bất cập việc áp dụng giảm 2% VAT: Cần sửa đổi Nghị định để gỡ vướng cho doanh nghiệp
04:10, 27/02/2022
Giảm VAT - “chính sách” chưa từng có
04:00, 20/02/2022
Còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện giảm thuế VAT xuống 8%
11:00, 19/02/2022
Giảm thuế VAT tác động ra sao tới lạm phát năm 2022?
07:05, 18/02/2022
Giảm thuế VAT về 8%: Doanh nghiệp “bối rối"
16:42, 17/02/2022
Nắm những quy định này, sẽ không còn "bối rối" khi áp dụng giảm 2% thuế VAT
16:46, 16/02/2022