Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững của Chính phủ đã nêu rõ các giải pháp về tín dụng, gói hỗ trợ cho thị trường.
>>Gian nan ổn định thị trường bất động sản
Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững của Chính phủ, xác định mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân.
Về tín dụng, Dự thảo Nghị quyết đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn vừa tạo điều kiện thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Dự thảo nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững theo tinh thần Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Xem xét, đề xuất phương án tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; xem xét chỉ đạo, hướng dẫn giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng...); chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng;
Đồng thời, Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.
Về phát triển nhà ở xã hội, Dự thảo nêu rõ, giao Bộ Xây dựng hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng”; “Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị”.
>>Hà Nội: Thị trường ảm đạm, giá biệt thự liền kề có giảm?
Tập trung nghiên cứu xây dựng báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”.
Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ hợp thứ 5 tháng 5/2023, thông qua tại kỳ hợp thứ 6 tháng 10/2023 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Dự thảo cũng nêu các giải pháp nhằm ổn định thị trường trái phiếu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023.
Hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ xem xét, ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”; hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai. Ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”.
Có thể bạn quan tâm