Giao toàn diện quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương: Tránh “bộ này đổ cho bộ kia”

GIA NGUYỄN 31/10/2022 04:00

Trước đề xuất “giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương” khi sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP, chuyên gia cho rằng, việc đưa xăng dầu về một đầu mối quản lý thống nhất là phù hợp...

>> Kiến nghị tính toán lại các mức chi phí trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu

Theo đó, giải trình trước Quốc hội tại cuối phiên thảo luận về tính hình kinh tế - xã hội, chiều 28/10 vừa qua, bên cạnh các nội dung được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc cũng cho biết, sắp tới, khi sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, gồm việc quyết định giá, chi phí định mức (hiện phần này đang do Bộ Tài Chính đảm trách). Như thế sẽ đảm bảo nguồn cung chủ động giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ, chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất “giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương” khi sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất “giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương” khi sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Đề xuất này của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến đồng tình của dư luận, trong đó không ít ý kiến cho rằng, việc đưa xăng dầu về Bộ Công Thương để chịu trách nhiệm quản lý thống nhất là phù hợp, đặc biệt, trong thời gian qua, khi thị trường xăng dầu xuất hiện những bất ổn, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ diễn ra ở các tỉnh phía Nam, đã có có tình trạng “bộ này đổ cho bộ kia” mà không làm rõ được trách nhiệm thiếu xăng dầu là do bộ ngành nào.

Thực tế, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ đảm bảo cung cầu thị trường, nhưng liên quan đến công thức tính giá xăng dầu thì lại vẫn giao một phần trách nhiệm cho Bộ Tài chính quản lý. Trong khi đó, vướng mắc lớn nhất trên thị trường xăng dầu thời gian qua là việc chi phí giá xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở, doanh nghiệp thua lỗ và gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn.

Thế nhưng, Bộ Tài chính muốn sửa đổi quy định liên quan đến công thức tính giá thì cũng phải dựa trên cơ sở doanh nghiệp xăng dầu báo cáo, xem xét chi phí đó có hợp lý hay không để làm căn cứ điều chỉnh.

Do đó, theo các chuyên gia, hoàn toàn có thể đưa về Bộ Công Thương để xem xét, đánh giá các yếu tố này, do chi phí thay đổi liên tục, nên nếu cứ bộ nọ chờ bộ kia thì sẽ rất khó cập nhật sát diễn biến thị trường. Việc đưa về một mối cũng để tránh đổ trách nhiệm khi tình hình thị trường có diễn biến phức tạp, sau này quy trách nhiệm sẽ rõ hơn.

>> Ổn định thị trường xăng dầu: Cần tập trung “gỡ khó” cho doanh nghiệp

Đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các chuyên gia khi cho rằng đây là giải pháp hợp lý, phù hợp - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các chuyên gia khi cho rằng đây là giải pháp hợp lý, phù hợp - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính là hợp lý, bởi vì Bộ Công Thương mới là bộ quản lý sản xuất kinh doanh xăng dầu, có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu của đất nước. Chính Bộ Công Thương quản lý sản xuất kinh doanh nên nắm được thế giới thế nào, trong nước thế nào, các chi phí doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải chi trả là gì, mỗi vùng, mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có chi phí thế nào.

“Chúng ta đang chia cắt trong quản lý, hiện nay đã giao cho Bộ Công Thương quản lý sản xuất, kinh doanh, trong đó, Nghị định 95/2021/NĐ-CP cũng đã giao cho Bộ Công Thương hướng dẫn giá cơ sở của xăng dầu nhưng lại tách riêng một phần trong cơ cấu giá (chi phí định mức) để cho Bộ Tài chính tính toán, công bố để Bộ Công Thương đưa vào giá cơ sở. Tôi cho đây là cắt khúc không hợp lý”, ông Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ.

Đánh giá về đề xuất “giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương” khi sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Bộ trưởng Bộ Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, đây là đề xuất hợp lý, bởi Bộ Công Thương muốn có cơ chế hoàn chỉnh để doanh nghiệp đầu mối hoạt động độc lập, doanh nghiệp trung gian cũng độc lập, doanh nghiệp bán lẻ độc lập thì cần có cơ chế về giá. Khi đó các cơ chế, quy định về định mức chiết khấu hợp lý, có như vậy doanh nghiệp mới đảm bảo tính độc lập, doanh nghiệp kinh doanh tốt được lãi nhiều, kinh doanh không hiệu quả tự đóng cửa, phá sản.

“Như vậy nếu sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP giao cho Bộ Công Thương trực tiếp quản lý, điều hành, chỉnh sửa giá cả tiêu thức cũng hợp lý để từ đó bộ xây dựng lên cơ chế hoạt động cho doanh nghiệp đầu mối, trung gian, bán lẻ độc lập với nhau, có cơ chế định mức rõ ràng. Bộ Công Thương cũng có thể chủ động điều chỉnh giá cả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất cho đời sống và sản xuất kinh doanh”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Được biết, trước những vấn đề bất ổn của thị trường xăng dầu được dư luận phản ánh, tại văn bản số 7220/VPCP-KTTH ngày 27/10/2022, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu để trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, tích cực xử lý, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiến nghị tính toán lại các mức chi phí trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu

    Kiến nghị tính toán lại các mức chi phí trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu

    03:30, 30/10/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Gốc rễ tại… điều hành

    Bất ổn thị trường xăng dầu: Gốc rễ tại… điều hành

    04:00, 27/10/2022

  • Ổn định thị trường xăng dầu: Cần tập trung “gỡ khó” cho doanh nghiệp

    Ổn định thị trường xăng dầu: Cần tập trung “gỡ khó” cho doanh nghiệp

    11:00, 26/10/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Vẫn lúng túng vì đâu?

    Bất ổn thị trường xăng dầu: Vẫn lúng túng vì đâu?

    04:00, 25/10/2022

  • Cần áp dụng công nghệ trong lĩnh vực quản lý kinh doanh xăng dầu

    Cần áp dụng công nghệ trong lĩnh vực quản lý kinh doanh xăng dầu

    00:30, 25/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giao toàn diện quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương: Tránh “bộ này đổ cho bộ kia”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO