Ý tưởng, tiền là quan trọng nhưng theo nhiều chuyên gia, dám ước mơ, có tinh thần quyết tâm đi đến cùng để biến ý tưởng, giấc mơ thành hiện thực thì người trẻ có thể bắt đầu khởi nghiệp.
Có nên bỏ học để khởi nghiệp ?
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, CEO của Mạng khởi nghiệp Việt Nam, chia sẻ: “Mỗi ngày tôi xem qua cả ngàn ý tưởng, cũng nhận rất nhiều lời mời tư vấn, kêu gọi hỗ trợ… từ những người chủ trẻ gửi dự án đến công ty. Tuy nhiên, điều cốt yếu khiến tôi đánh giá cao dự án chính là con người. Theo thống kê của Tạp chí Khởi nghiệp, có 90% các dự án khởi nghiệp sẽ thất bại. Để thực sự đánh giá doanh nghiệp có thể thành công hay không, phải sau 4 - 5 năm phát triển. Do đó, người sáng lập công ty phải thực sự kiên trì, bền bỉ, đầu tư hết sức lực, tâm trí, tinh thần, vật lực… cho dự án đó, thì hãy bắt đầu”.
Bỏ học từ năm 2 đại học, nhà sáng lập Cititech Technology - anh Dương Thế Vinh - đang phát triển dự án đầu tư ở cả Việt Nam, Hàn Quốc và Mỹ. Anh cho biết: “Công ty chúng tôi cũng có một không gian, văn phòng sẵn sàng hỗ trợ nơi làm việc cho các bạn trẻ có ý tưởng tìm đến để phát triển dự án thành sản phẩm cụ thể. Tôi thường xuyên tìm kiếm các dự án mới để đầu tư, chỉ cần nhìn thấy tiềm năng, tôi sẵn sàng đầu tư ngay. Chúng tôi hỗ trợ về công nghệ, vốn, văn phòng làm việc... Không chỉ riêng tôi mà hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều vườn ươm khởi nghiệp, chương trình hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư… cho các bạn trẻ đến tìm kiếm cơ hội”. Từ câu chuyện của mình, anh Vinh khuyên: “Điều cốt yếu là các bạn đã sẵn sàng để khởi nghiệp hay chưa. Đừng nghĩ đến chuyện bỏ học để khởi nghiệp, vì không cần thiết. Các bạn nên tự hỏi mình cần gì. Khi nào việc học hiện tại không hỗ trợ cho công việc hay đam mê thì hãy mạnh dạn từ bỏ”.
Sau 2 lần thất bại, anh Phạm Văn Tú, CEO Công ty Asun.vn, góp thêm kinh nghiệm khởi nghiệp cho người trẻ. Anh cho rằng: “Để dự án thành công, trước khi bắt đầu, phải nghĩ đến khách hàng, sản phẩm của mình làm ra bán cho ai. Lấy khách hàng là trung tâm, là kim chỉ nam giúp tôi trong rất nhiều dự án sau này. Một điều quan trọng nữa, trước khi bắt đầu một dự án, để giảm thiểu rủi ro, tôi hay tìm đến các công ty cung cấp cùng dịch vụ hay bán sản phẩm tương tự mình để học tập kinh nghiệm từ phía họ. Mình có thể xin vào làm thuê cho công ty đó để học hỏi cách thức vận hành, kinh doanh… Quá trình này giúp các bạn tiết kiệm được rất nhiều về thời gian, tiền bạc cũng như tránh được các rủi ro kinh doanh. Học từ “đối thủ” không bao giờ thừa”.
Luôn đi tiên phong, là người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh là bí quyết thành công của anh Trần Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo. “Chìa khóa đầu tư thành công của tôi là “Be first” (Luôn đi đầu), là người dẫn dắt tạo ra xu hướng sẽ giúp dự án kinh doanh dễ dàng thâm nhập thị trường, dễ được khách hàng chú ý. Mình tự tạo ra thị trường nên sản phẩm nhanh tạo được chỗ đứng trong tâm trí người mua hàng”, anh Trần Văn Sơn chia sẻ.