“Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng lại được thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội…”
Đó là nội dung được khẳng định mạnh mẽ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.
>>Giữ lửa "lò chống tham nhũng" - Bài 1: Lộ diện những “liên minh ma quỷ”
Theo Báo cáo tại Hội nghị, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trong danh sách hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, có 34 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cùng hàng chục sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đã bị xử lý do tham nhũng.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật 6 Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có 3 người liên quan đến "đại án" Việt Á. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành công tác tố tụng đối với nhiều cán bộ, đảng viên có chức, có quyền liên quan đến một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thời gian qua, nhất là gần đây như Vụ án ở Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố…
Đặc biệt, sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Đây là cơ sở, là “cánh tay nối dài” để Đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng vỗn đã được triển khai từ nhiều năm nay.
Những dẫn chứng trên cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng khẳng định tinh thần của Đảng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Hành động kiên quyết của Đảng đối với các cán bộ, đảng viên đã sa ngã, thoái hóa, biến chất, có hành vi lợi dụng chức quyền để tham nhũng, tiêu cực đã được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân.
Ngay trong thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn “không ngừng, không nghỉ”. Đã có ý kiến băn khoăn cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước. Thực tế không như vậy, mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".
Nhân dân đã và đang tin tưởng, đồng thuận cùng Đảng, Nhà nước quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi "giặc nội xâm" - tham nhũng, tiêu cực. Tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) đã bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Người dân tin vào sự quyết liệt “nói đi đôi với làm” và “làm đi đôi với nói” của Tổng bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt, bài bản, quyết tâm cao của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bài học ở Việt Nam, càng chống tham nhũng bài bản, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng thì càng tạo được niềm tin trong các tầng lớp Nhân dân, bảo đảm môi trường xã hội ổn định và là điều kiện tiên quyết để kinh tế ngày càng phát triển.
>>Giữ lửa "lò chống tham nhũng" - Bài 2: “Đạn bọc đường” bắn trúng tham quan
Ngay trong thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, Đảng ta vẫn chỉ đạo chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ và kết quả cho thấy Việt Nam vẫn có nền kinh tế tăng trưởng dương, trong khi nhiều nước phát triển tăng trưởng âm. Báo cáo giữa năm 2022 của Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về thu nhập và thương mại trong số các thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Và, thực tế đến thời điểm tháng 10/2022, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chính phủ dự báo năm 2022, Việt Nam tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% so với mục tiêu 6-6,5%, cho dù trong bối cảnh tình hình có rất nhiều khó khăn, thách thức.
Đất nước bước vào giai đoạn mới, không ngừng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, thế và lực ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, lại có không ít cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Những hành vi đó đã đe dọa tính kỷ luật của Đảng, tinh thần thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước, gây xói mòn niềm tin của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến quyết liệt “chống giặc nội xâm”. Chính vì vậy mà “lò” chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhóm vẫn đang rực nóng, với niềm tin và quyết tâm “làm đến cùng, không bỏ giữa chừng”, thể hiện bằng những hành động, việc làm, kết quả cụ thể.
Xin dẫn lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước, ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người. Và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, như Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.
Có thể bạn quan tâm