Tham tiền tài, danh vọng để rồi quên lời hứa trước Đảng, trước dân, hàng loạt cán bộ, quan chức từ Trung ương tới địa phương đã phải vướng vòng lao lý, mang thân phận bị can, bị cáo…
>>Giữ lửa "lò chống tham nhũng" - Bài 1: Lộ diện những “liên minh ma quỷ”
Từ Đại hội XII của Đảng đến nay, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta đẩy mạnh, với phương châm "không ngừng", "không nghỉ", "không có vùng cấm", nhiều đại án đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, kéo theo đó là hàng loạt lãnh đạo, quan chức cấp cao từ Trung ương tới địa phương bị đưa ra xét xử.
Gần đây, “quả bom” Việt Á gây chấn động dư luận với gần một trăm bị can đã bị khởi tố, trong đó có nhiều quan chức cấp cao cũng “nhúng chàm”. Tính đến thời điểm này, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố 26 vụ án, 94 bị can trên khắp tỉnh, thành cả nước và đang mở rộng điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan. Hành vi của các đối tượng thể hiện rõ nét sự liên minh, móc ngoặc, cấu kết, của những quyền lực ngầm từ Học viện Quân y - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Y tế để dẫn dắt một doanh nghiệp nhỏ có thể thâu tóm một công trình khoa học tiêu tốn ngân sách gần 19 tỉ đồng, chiếm đoạt bất hợp pháp, chuyển sản phẩm nghiên cứu của Nhà nước thành sở hữu riêng, thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng.
Hay mới đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đang điều tra vụ án “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ” “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP HCM và các tỉnh. Tính đến ngày 17/1/2023, cơ quan Công an đã khởi tố 89 bị can, trong đó có Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; Trần Kỳ Hình (nguyên Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam).
Theo cơ quan chức năng, Trần Kỳ Hình với vai trò là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trực tiếp hoặc thông qua bị can Trần Anh Quân (Quyền Trưởng Phòng Kiểm định phương tiện cơ giới) nhận tiền hối lộ của một số Giám đốc Trung tâm đăng kiểm để ký duyệt cấp Mã số đăng kiểm và Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm, mặc dù, các Trung tâm đăng kiểm này chưa đủ các điều kiện theo quy định.
Mặt khác, trong thời gian đảm nhận chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trần Kỳ Hình đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, trực tiếp nhận tiền hối lộ (định kỳ hàng tháng, quý) của các Giám đốc Trung tâm đăng kiểm nhằm bỏ qua sai phạm của các Trung tâm đăng kiểm trong việc nhận tiền hối lộ của chủ xe, đối tượng môi giới để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm đối với các phương tiện xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Có thể nói, đây là đại án gây phẫn nộ dư luận nhất những ngày cuối năm. Bởi thực tế, mục đích quan trọng nhất của việc đăng kiểm đó là kiểm tra mức độ và ngưỡng an toàn của phương tiện vận tải. Điều này cũng nhằm giúp giảm, tránh gây rủi ro trong quá trình lưu thông trên đường trường cho người dân. Đây là trách nhiệm lớn nhất của hệ thống đăng kiểm hiện nay trong bối cảnh phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều, tình hình tai nạn giao thông còn rất nghiêm trọng.
Với các trung tâm đăng kiểm, chốt chặn an toàn này hoạt động càng nghiêm túc, càng khắt khe tuân thủ tuyệt đối quy định thì giao thông càng an toàn. Ngược lại, chỉ cần lơi lỏng, du di thì những chiếc xe mất an toàn sẽ ra đường, và khi đó nó chính là những “hung thần” có thể gây tai nạn, cướp đi sinh mạng của người khác bất cứ lúc nào.
Con số gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta mỗi năm càng đòi hỏi phải nghiêm khắc kiểm soát an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông. Đăng kiểm đóng vai trò quan trọng nhất trong công tác trên, nên mỗi chứng nhận của cơ quan này chính là giấy thông hành an toàn cho phương tiện ra đường.
Vậy mà chính những người giữ chốt chặn an toàn lại nghiễm nhiên nhận tiền để dễ dàng thông qua cho những chiếc xe nguy hiểm ra đường. Điều này có khác nào gián tiếp uy hiếp đến tính mạng của người khác. Tiền hối lộ mà họ nhận có thể lên đến hàng chục tỉ đồng nhưng làm sao có thể so sánh được với bao nhiêu sinh mạng đang đối diện hằng ngày với những hung thần mà họ đã cấp chứng nhận.
Mà nào phải ít, trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra đã xác định hàng loạt trung tâm đăng kiểm nhúng chàm, liên quan đến khoảng 70.000 phương tiện liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đáng nói, câu chuyện tiêu cực trong đăng kiểm thực ra chẳng phải là bí mật gì. Nó được truyền miệng và chỉ bảo nhau thực hiện trong giới tài xế nhiều năm qua. Thậm chí khi đến một số trung tâm đăng kiểm, lúc nào cũng có đội ngũ cò mồi hướng dẫn và ra giá cụ thể. Những vấn đề này lặp đi lặp lại đến nỗi đã trở thành bình thường với giới tài xế. Họ không lạ gì nhưng các cơ quan chức năng lại không hề biết, và thật khó hiểu khi ngay cả cơ quan cấp trên cũng không hay biết (!?)
>>“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức
Trên đây chỉ là một số ít điển hình trong những đại án tham nhũng gây bức xúc dư luận, thực tế trong 10 năm (2012- 2022), các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can.
Không khó để nhận ra điểm chung về thủ đoạn phạm tội của quan chức trong các đại án là lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chỉ đạo, chi phối các bên liên quan thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng mang lại lợi ích cho mình. Đó là những vị lãnh đạo có quyền cao, chức trọng nhưng đã thoái hóa, biến chất, bảo kê và tiếp tay cho tội phạm để rồi bản thân mình cũng không thể thoát tội.
Đi tìm nguyên nhân của hàng loạt quan chức biến thành tội phạm trong thời gian rất ngắn, dư luận đặt câu hỏi: Vì sao những quan chức không hề khó khăn, thiếu thốn về tiền bạc, thậm chí là rất giàu vẫn cố ý làm trái để rồi phải trả giá đắt, đau khổ, nhục nhã vì những “đồng tiền bẩn”. Rồi cũng chính nhân dân đã tìm ra câu trả lời, chắc chắn đó là vì lòng tham, đó là luật nhân - quả bao đời nay minh chứng.
Bởi, nếu không vì lòng tham, lợi ích nhóm để nhận hối lộ, hoa hồng, quà biếu, “lại quả” bằng những va li tiền thì làm sao trong vụ án Việt Á, có những cán bộ, đảng viên từng là giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, sĩ quan cấp tướng, nhà lãnh đạo quản lý… có "lý lịch sáng ngời” trong các kỳ bầu chọn, lại tự đánh mất mình, bất chấp pháp luật, chà đạp lên nỗi đau thương, mất mát của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, để rồi phải trả giá đắt.
Cũng vì lòng tham mà những vị quan chức là người đứng đầu những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai… đã cấu kết, móc ngoặc với các cá nhân, doanh nghiệp làm trái quy định của pháp luật, trục lợi, gây thất thoát lớn cho nhà nước.
Suy cho cùng, trước cám dỗ của đồng tiền, trước bản ngã của phần con trong phần người, nếu không biết tiết chế, thì khi kim tiền trước mặt sẽ trở thành “viên đạn bọc đường”, có thể phát nổ, đánh gục những cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh, để lòng tham chế ngự.
Có thể bạn quan tâm
“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức
11:10, 25/02/2022
“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 3): Kẽ hở từ “miếng bánh” đấu thầu
04:05, 24/02/2022
“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 2): Lộ diện … phần chìm của tảng băng
04:00, 23/02/2022
“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào "thành trì"
03:40, 22/02/2022