Cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạn chế về hành lang pháp lý, công nghệ… là những khó khăn chung của các doanh nghiệp logistics.
>>>Doanh nghiệp logistics và cảng biển lên tiếng "gỡ khó" về PCCC
Ông Đặng Vũ Thành – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết: “Nếu ví dịch vụ logistics là một “cỗ máy” thì cần có phần cứng, phần mềm, nhân sự để vận hành. Trong đó, phần cứng là cơ sở hạ tầng, phần mềm là các hành lang pháp lý, quy định, thủ tục để đảm bảo cỗ máy này hoạt động suôn sẻ. Chúng ta cũng ghi nhận rằng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để “cỗ máy” logistics vận hành hiệu quả hơn”.
Về vấn đề thủ tục pháp lý, hải quan, tại tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Logistic Việt Nam 2023, đại diện Tổng Cục Hải quan, ông Nguyễn Bắc Hải – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan, cho biết ngành Hải quan xác định sẽ kiên quyết với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính. Tính đến hết năm 2022, cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với tổng số trên 4,92 triệu bộ hồ sơ, của hơn 54,8 nghìn doanh nghiệp được giải quyết trên cổng một cửa quốc gia.
Thông qua cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp sẽ thực hiện khai báo hồ sơ điện tử và nhận kết quả xử lý, giấy phép của các Bộ, ngành thông qua hệ thống và Cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa thông qua giấy phép điện tử được cấp qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Vì vậy, doanh nghiệp có thể theo dõi thời gian khai báo, thời gian xử lý, cán bộ/đơn vị xử lý, nhật ký giao dịch của hồ sơ được khai báo.
Việt Nam cũng tham gia cơ chế một cửa ASEAN và kết nối chính thức với các đối tác thương mại ngoài ASEAN. Đến nay, toàn bộ 10 nước ASEAN đã kết nối chính thức qua Cơ chế một cửa ASEAN, cho phép trao đổi chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử (C/O form D là giấy chứng từ chứng nhận xuất khẩu do Cơ quan có thẩm quyền cấp cho các loại hàng xuất sang các nước ASEAN thuộc diện ưu đãi thuế quan đối với các thành viên trong Hiệp định CEPT).
Tổng Cục Hải quan cũng tăng cường trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đại diện Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu đánh giá cao những nỗ lực cải cách, hiện đại hoá của ngành Hải quan thời gian vừa qua, đặc biệt là áp dụng thí điểm rộng rãi thủ tục hải quan điện tử, quản lí rủi ro... Điều đó góp phần quan trọng giúp cho các doanh nghiệp logistics đẩy nhanh được tốc độ vận chuyển, giao hàng, qua đó nâng cao được uy tín với khách hàng...
Liên quan tới vấn đề chi phí logistics, ông Trần Thanh Hải nhận định: có nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan dẫn tới chi phí logistics của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với quốc tế như: năng lực, cũng như nguồn nhân lực của các doanh nghiệp logistics còn hạn chế. Bên cạnh đó, phương tiện vận chuyển đường thuỷ tuy rẻ, giúp giảm chi phí so với việc lựa chọn phương tiện vận chuyển khác, nhưng để container được đi đường thuỷ thì doanh nghiệp phải đợi xếp hàng, rồi cẩu lên… mất rất nhiều thời gian. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn đi đường bộ mặc dù chi phí cao nhưng thời gian di chuyển hàng lại nhanh.
Đồng quan điểm này, ông Đặng Vũ Thành cho rằng, muốn thuyết phục doanh nghiệp chuyển phương thức vận chuyển hàng hoá từ đường bộ sang đường thuỷ thì về cơ bản phải giảm giá thành, nếu chi phí đường thuỷ đạt khoảng 10% thị phần thì giá thành so với vận tải đường bộ sẽ giảm được khoảng 15- 17%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong khi các tàu cập cảng càng ngày càng lớn, thì sà lan cũng phải nâng cấp lên theo, nhưng để nâng cấp tải trọng thì doanh nghiệp phải đáp ứng được các quy định về tải trọng của bộ Giao thông Vận tải. "Chẳng hạn nếu tàu vào cảng lớn hơn 80m thì phải có tàu lai dắt, như vậy nếu nâng cấp sà lan lên một chút lại cộng thêm chi phí cho tàu lai thì khó giảm được chi phí logistics" ông Thành nhấn mạnh.
Ông Trần Mạnh Hùng - Phó cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng: bản thân các doanh nghiệp trong ngành logistics nên chủ động kết nối với nhau, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá để tiết giảm đươc chi phí vận chuyển.
Đối với việc hỗ trợ của cơ quan nhà nước, riêng Hải quan Hải Phòng đã đưa vào sử dụng phần mềm đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp. Ý kiến phản ánh của doanh nghiệp sẽ tự động được gửi đến người có thẩm quyền để phản hồi lại, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp sử dụng phần mềm này cũng sẽ tự động nhận được email về văn bản pháp luật mới để kịp thời cập nhập.
Để nâng cao chất lượng các hãng tàu, kho bãi, Hải quan Hải Phòng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, qua đó các hãng tàu thực hiện cam kết chỉ thu phí cược container đối với hàng lạnh. Ngoài ra cũng yêu cầu hãng tàu đẩy nhanh quy trình giao nhận, tránh tình trạng lưu kho bãi, tăng thêm chi phí. Chẳng hạn việc trả lại phí cược container (cược vỏ) cho doanh nghiệp, nhiều hãng tàu lớn là nước ngoài, sử dụng ngân hàng nước ngoài, do vậy quá trình giao dịch bị ảnh hưởng bởi lệch múi giờ, nên ko trả lại tiền ngay cho khác hàng. Về việc này, Hải quan Hải Phòng cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có quản lý chặt chẽ hơn đối với hãng tàu, cần có chế tài để đảm bảo việc hoàn chả lại chi phí cược vỏ của doanh nghiệp được thuận lợi.
Cùng trao đổi về những giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp logistics, ông Nguyễn Thanh Sang – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, với vai trò là một cảng “hot” trong khu vực, để vận chuyển hàng hoá qua lại giữa các cảng, hay tận dụng được chiều dài của các cảng sát bên nhau, Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất với Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính sớm ban hành chính sách giám sát đối với các cảng trong khu vực để giảm bớt thủ tục, đảm bảo thời gian lưu thông qua lại giữa các cảng được nhanh chóng hơn.
Riêng đối với hoạt động quá cảnh, cục Hải quan Vũng Tàu cũng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp về vận chuyển hàng quá cảnh trong việc xác định tuyến đường, thời hạn tối thiểu để vận chuyển, khai báo hải quan… Ngoài việc tổ chức thường xuyên các hội thảo theo chuyên đề cho doanh nghiệp, Hải quan Vũng tàu cũng có cơ chế tham vấn 1-1, có nghĩa là nếu doanh nghiệp có nhu cầu tham vấn thì hải quan cũng tổ chức, sắp xếp nhân sự để tham vấn trực tiếp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Dưới góc độ của Tổng Cục Hải quan, theo ông Nguyễn Bắc Hải, cơ quan Hải quan với vai trò người làm thủ tục cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị hiện đại, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối dữ liệu, nhằm quản lý từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.
Bên cạnh đó, Tổng cục hải quan sẽ nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến thế giới để triển khai các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan, thúc đẩy nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong hoạt động logistics của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
08/09: Diễn đàn "Liên kết phát triển logistics – động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ"
02:02, 09/08/2023
Tối ưu hoá logistics khi Việt Nam hội nhập sâu rộng
15:54, 07/08/2023
“Tăng chất” cho ngành logistics
12:00, 17/07/2023
Việt Nam dần trở thành địa điểm hấp dẫn đầu tư logistics
10:49, 15/07/2023