Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chủ yếu nhiều loại nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường này không còn "dễ tính".
Không còn là thị trường "dễ tính"
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2016, tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD thì kim ngạch XK sang Trung Quốc đạt 1,74 tỷ USD. Riêng trong năm 2017, trong 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau củ quả thì Trung Quốc chiếm đến 76% giá trị. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chủ yếu nhiều loại nông sản của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, Trung Quốc có nhu cầu nông sản cao trong khi hai nước Việt Nam - Trung Quốc có chung đường biên giới nên việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đặc biệt phù hợp với các mặt hàng nông sản có đặc tính thời vụ.
Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN (ACFTA) cũng như các cam kết quốc tế khác của Trung Quốc đã và đang tạo thuận lợi cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam thâm nhập, mở rộng thị phần tại thị trường này. “Đây là những cơ hội rất tốt cho các DN Việt Nam tiếp tục khai thác, mở rộng quy mô XK nông sản sang thị trường Trung Quốc” - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nêu rõ.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường này còn bấp bênh. Xuất khẩu chủ yếu vẫn còn đi nhiều bằng đường tiểu ngạch nên không chú ý truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu. Nhiều trường hợp hàng hóa ứ đọng, giá giảm sâu, có khi bị đổ bỏ nơi cửa khẩu. Vấn đề minh bạch, uy tín trong hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, nông sản Việt Nam đang phải đối mặt với những quy định khắt khe về chất lượng, đồng thời gặp sự cạnh tranh của Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia... Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII Nguyễn Thị Hà cho biết: Trung Quốc ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, kiểm dịch thực vật. Điều này sẽ khiến nông sản Việt Nam chịu rào cản chất lượng cao hơn trước.
Giải bài toán chất lượng
Để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, Tham tán Kinh tế và Thương mại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tp.Hồ Chí Minh Vĩ Tích Thành nhìn nhận, với sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam nên hợp tác với các doanh nghiệp thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc để mở các cửa hàng trực tuyến và cung cấp nông sản cho các siêu thị mới.
“Các kênh lưu thông truyền thống có nhiều vướng mắc, thông tin thị trường không cập nhật đồng đều. Trong khi thương mại điện tử đang thu hẹp khoảng cách sản xuất và tiêu thụ, kết nối mở rộng tốt hơn thị trường tiêu dùng. Tuy vậy, để phát triển thương mại điện tử về nông sản đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống kho vận, đảm bảo chất lượng sản phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc, nhân lực…”, ông Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, để xuất khẩu ổn định ở thị trường Trung Quốc, đầu tiên là khâu sản xuất phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường này; đồng thời, tập trung vào khâu đóng gói, chế biến để gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
00:09, 13/07/2018
03:19, 03/07/2018
15:59, 29/06/2018
06:54, 21/06/2018
Còn theo Hội trưởng Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả China - ASEAN Bằng Tường (Trung Quốc) Su De Mao cho biết: Hiện tỷ lệ hoa quả theo đường tiểu ngạch chỉ còn 20%, tuy nhiên XK nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc thường xuyên không ổn định. Nguyên nhân chính là do một số hoa quả Việt Nam XK sang trong khi Trung Quốc cũng đã trồng được như dưa hấu. Cho nên, để hạn chế tình trạng phải bán lỗ vốn, DN Việt Nam phải nắm được thông tin nhu cầu thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, DN Việt Nam phải xây dựng những thương hiệu riêng, chất lượng đảm bảo để nâng cao sức cạnh tranh.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cũng cho rằng: Trong thời gian tới, để tăng kim ngạch XK nông sản sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc tập trung vào những mặt hàng và thị trường truyền thống (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam), Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch đưa hàng nông, thủy sản thâm nhập các địa bàn tiềm năng (Tứ Xuyên, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến).
Tuy nhiên, để giữ vững và mở rộng thị trường, đòi hỏi DN Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Trung Quốc,. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi phương thức bảo quản cũng như tăng cường kiểm tra lấy mẫu các lô hàng nông sản XK. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tại cửa khẩu cần tiếp tục cải tiến cách thức thông quan hàng nông, thủy sản của Việt Nam qua cửa khẩu một cách thuận tiện nhất, giảm giá thành, chi phí trong hoạt động kinh doanh thương mại hàng hóa qua biên giới.