Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam, với nhiều mặt hàng nông sản chiếm từ 40 đến 70% tổng thị phần xuất khẩu nước ta.
Siết chặt nhập khẩu
Bộ NN &PTNT cho biết, có tới 60-70% nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua tiểu ngạch khiến giá trị xuất khẩu bị giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững...
Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong nhập khẩu nông sản của Việt Nam khi đồng ý nhập khẩu một số nông sản của nước ta (chủ yếu là trái cây) qua đường xuất khẩu chính ngạch.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, từ đầu năm, Trung Quốc có thay đổi một số quy định trong nhập khẩu hàng hóa như: truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp với các bộ ngành và hải quan Trung Quốc thông tin về các quy định trong nhập khẩu nông lâm thủy sản. Hiện doanh nghiệp hai nước đều có nhu cầu xuất nhập khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên với những quy định mới, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm được các thủ tục.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN& PTNT) cho hay, phía thị trường Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt quy định đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này, điển hình là mặt hàng rau quả.
Hiện, trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm; đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc,phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản với Hải quan Trung Quốc.
Các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc kèm theo nhãn mác; sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại, ông Toản cho hay
Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa, quả vào nước này. Theo đó, từ ngày 1-10-2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng. Ngoài ra, đối với các mặt hàng thủy sản, nông sản khác, Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát chất lượng.
Tháo gỡ khó khăn
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), việc Trung Quốc đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam khắc phục được tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay, chủ động hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Theo đó, trước nhu cầu của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về trao đổi thông tin, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, các quy định về quản lý, kiểm soát xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản vào ngày 20/6 tới tại TP Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hiện đã có trên 300 doanh nghiệp đăng ký tham dự hội thảo. Hai bên sẽ thông tin các quy định về xuất khẩu khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước cho các doanh nghiệp, địa phương. Qua đây, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm được quy trình để thực hiện theo đúng quy định, từ đó tập trung xây dựng vùng nguyên liệu để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam, doanh nghiệp Việt nắm được quy trình xuất, nhập khẩu sẽ có bước thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong việc đảm bảo đúng quy định cũng như nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm.
Thời gian tới, xuất khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước sẽ tăng cao, như vậy sẽ kèm theo nhiều phát sinh cần giải quyết kịp thời. Thứ trưởng Trần Thanh Nam hy vọng, hai bên có những cơ chế để có thể trao đổi thông tin thường xuyên hơn, giải quyết kịp thời những vướng mắc mà doanh nghiệp hai gặp phải.
Bà Long Yushan, Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, các cơ quan chức năng của Trung Quốc sẽ thông tin đến các doanh nghiệp về quy định trong quản lý, kiểm dịch động thực vật, đặc biệt là sữa, thủy sản và trái cây.
Hai bên sẽ có cơ hội tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan, giúp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hiểu rõ các quy định, thủ tục về kiểm dịch.
Bà Long Yushan cũng mong muốn hai bên sẽ làm tốt việc hướng dẫn cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, hiểu rõ yêu cầu thị trường để thúc đẩy thương mại bền vững giữa hai nước.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 23/05/2019
01:36, 23/05/2019
13:30, 19/04/2019
05:00, 10/03/2019
Hiện nay, Việt Nam đã có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Ngày 26/4/2019, hai nước đã ký Nghị định thư về mở cửa thị trường cho trái măng cụt và Nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm sữa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho trái cây của Việt Nam như: sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi và sản phẩm tổ yến, khoai lang, thạch đen…
Trung Quốc vừa công bố miễn thuế nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc với mức thuế cơ bản là 0% cho 33 mặt hàng thủy sản được miễn thuế vào Trung Quốc như: tôm hùm, tôm sú, tôm biển, cá tuyết, nghêu, cá tra đông lạnh, cá basa, cá nục gai, cá ngừ đại dương, cá basa...
Hiện nay, có 701 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Việt Nam đang tiếp tục đàm phán và đề nghị Trung Quốc mở cửa thị trường cho một số sản phẩm như: nghêu, cá rô phi, cua, cá ngừ…
Việc tổ chức sản xuất tốt, đầu tư nâng chất lượng hàng xuất khẩu đúng với yêu cầu của thị trường sẽ giúp tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự báo, trong năm 2019, xuất khẩu rau quả có thể chinh phục thị trường này với giá trị 3 tỷ USD, thậm chí có thể hơn.